Simone cho biết, popping là một điệu nhảy xuất hiện vào cuối những năm 1970 ở California, Mỹ, một điệu nhảy mà Michael Jackson đã nghiên cứu và là “điệu nhảy robot” nổi tiếng. Popping dựa trên sự co thắt đột ngột có chủ ý và thư giãn của các cơ, do đó tạo ra hiệu ứng của một cú sốc điện.
Dự án popping cho người bệnh Parkinson được thành lập tại London (Anh) năm 2015. Simone bắt đầu dự án từ suy nghĩ rằng những vũ công nhảy popping lắc lư theo nhạc, còn những người bệnh thì “rung lắc” mà không có âm nhạc. “Nếu những người này có thể điều chỉnh sự run rẩy của họ theo âm nhạc, họ sẽ nhảy rất tuyệt. Vì vậy, tôi đã nghĩ đến dự án trên”, Simone chia sẻ.
Chàng trai trẻ người Italy cũng cho biết thêm văn hóa hip hop dạy con người nên sử dụng mọi thứ sở hữu để tạo lợi thế cho mình. Hip hop khởi nguồn từ những thanh thiếu niên ở vùng Bronx (Mỹ), mệt mỏi vì nghèo đói và tội phạm. Thay vì tâm lý chán chường tất cả, họ bắt đầu hát về những rắc rối của cuộc đời mình, biến những thất bại của họ thành những “sản phẩm” âm nhạc chinh phục cả thế giới. Ý tưởng biến điểm yếu thành điểm mạnh được truyền đến những người mắc bệnh Parkinson thông qua popping là: run rẩy, lắc có chủ ý.
Đến với các lớp học popping, bệnh nhân sẽ có sự chuyển đổi về tâm lý từ bệnh nhân thành học viên. Họ có thể giao tiếp với người khác và thấy mình là một phần của xã hội, thay vì tâm lý là người bệnh tách khỏi cộng đồng. “Từ quan điểm tâm lý học, những người này tự khám phá ra mong muốn tìm hiểu điều gì đó mới lạ và lấy lại khả năng kiểm soát cơ thể của chính họ. Điều đó có nghĩa là làm chủ cuộc sống của chính họ”, Simone nói.