Hồng đẳng sâm (thường gọi là sâm dây) là cây dược liệu quý, thích hợp trồng tại Kon Tum, nơi có những dãy núi cao, khí hậu lạnh. Tại tỉnh này, sâm dây được trồng nhiều ở các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông. 3 huyện đã hình thành vùng trồng lớn, có thương hiệu, được người dân, nhà đầu tư ưa chuộng. Sâm dây cũng được kỳ vọng sẽ giúp đồng bào nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Trong 3 vùng trồng sâm dây của tỉnh Kon Tum, huyện Tu Mơ Rông có diện tích sâm dây rất lớn. Huyện này đã hình thành vùng trồng sâm dây tại 10/11 xã. Sâm dây sau khi trồng được các hợp tác xã sơ chế thành rượu, trà, mứt hoặc xuất bán cho các doanh nghiệp lớn để chế biến thành nước tăng lực.
Đến xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum giữa thời tiết se lạnh, chúng tôi bắt gặp Trần Quốc Huy, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Hà đang kiểm tra vườn sâm của người dân trồng trên đỉnh đồi. Tại đây, ông Huy đưa đôi bàn tay thoăn thoắt để kiểm tra lá, thân cây sâm dây. Sau đó, ông định hướng người dân cách chăm bón, tưới để sâm dây nhanh phát triển, cho củ to.
Ông Trần Quốc Huy, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Hà nói: “Người dân của xã đã trồng được 7ha sâm dây. Có 3 hợp tác xã và 5 cá nhân trên địa bàn đứng ra thu mua sâm dây ở xã và các địa bàn lân cận. Những hộ kinh doanh đã làm giàu, mua ô tô, mua đất làm nhà. Họ còn đầu tư thêm máy móc hiện đại để sấy khô, làm cao sâm dây, mứt sâm dây và nhiều sản phẩm khác từ sâm dây”.
Đi dọc các trục đường ở các xã Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây, Đăk Rơ Ông, Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông), chúng tôi thấy các sản phẩm sâm dây khô được bày bán trên nhiều gian hàng. Người dân chở sâm vừa thu hoạch từ rẫy về nhà để bán cho thương lái. Những túi sâm nhanh chóng được rửa sạch đất, trước khi thương lái đưa lên xe vận chuyển cho khách hàng ở nhiều tỉnh thành.
Bà Mai Thị Luận (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) là một trong những người kinh doanh sâm dây có nguồn gốc từ huyện Tu Mơ Rông. Bà Luận liên kết với đồng bào để thu mua sâm dây, trước khi nhập bán cho các đối tác trên nhiều tỉnh thành. Bà Luận nói: “Sâm dây có giá trị cao, tốt cho sức khỏe nên rất được khách tín nhiệm đặt mua. Có người mua về làm rượu, làm nước uống, nấu ăn. Khách mua cả lá và củ. Trung bình mỗi năm, có hàng ngàn khách nhập sâm dây từ cơ sở của tôi".
Vừa qua, Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (gọi tắt là Bidrico, TPHCM) đã cho ra mắt thị trường sản phẩm mới là Nước tăng lực hồng đẳng sâm Tu Mơ Rông. Một nguyên liệu trong thức uống này là hồng đẳng sâm (còn gọi là sâm dây), có nguồn gốc từ Tu Mơ Rông là chính.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc công ty cho biết: “Nghe tin núi rừng Tây Nguyên có những loại thảo dược tốt, công ty đã có ý định chế biến thành đồ uống phục vụ người tiêu dùng. Công ty lấy nguyên liệu ở Tu Mơ Rông rồi chế biến thành nước tăng lực hồng đẳng sâm Tu Mơ Rông. Khi tung sản phẩm nước tăng lực ra, công ty hy vọng sẽ mang lại giá trị về chất lượng sản phẩm, mùi vị, chất bổ dưỡng; mang lại lợi ích cho người tiêu dùng; tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương Tu Mơ Rông. Vào tháng 11-2024, khi công ty tung ra sản phẩm, hàng không đủ để bán. Đây là niềm vui lớn. Sắp tới, công ty sẽ tăng cường thu mua nguồn nguyên liệu ở Tu Mơ Rông”.
Những năm qua, để quảng bá tiềm năng, giá trị và kêu gọi đầu tư sâm dây, UBND huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức các hội thi ẩm thực dược liệu. Thông qua hội thi, các đầu bếp đã chế biến ra nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng từ cây sâm dây. Huyện này cũng đón nhận xác lập kỷ lục Việt Nam về 120 món ăn được chế biến từ sâm dây. Các món ăn được các đầu bếp chế biến tại hội thi, sẽ được huyện tổng hợp, in thành sách để người dân cả nước có thể chế biến, bồi dưỡng sức khỏe.