Công ty Thép Việt Mỹ "tố" PJICO né tránh trách nhiệm
Ông Lê Công Xinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Việt Mỹ (Công ty Thép Việt Mỹ) gửi đơn tố cáo việc PJICO cố tình né tránh trách nhiệm bồi thường khiến doanh nghiệp bị thiệt hại.
Theo đó, ngày 31-12-2016, Công ty Thép Việt Mỹ và Công ty Bảo hiểm PJICO thông qua chi nhánh của mình là Công ty PJICO Đà Nẵng ký hợp đồng bảo hiểm nguyên tắc để bảo hiểm cho lô hàng 1.799 tấn thép của Công ty Thép Việt Mỹ.
Ngày 21-10-2017, khi đang trên hành trình vận chuyển lô hàng, tàu Quang Trung 05 - BLC bị va chạm với tàu New Port Cypress của Công ty Cổ phần Đại lý Cypress Châu Á tại khu vực sông Nhà Bè, luồng Sài Gòn - Vũng Tàu khiến toàn bộ lô hàng 1.799 tấn thép bị chìm.
"Trong quá trình xử lý tổn thất, Công ty Thép Việt Mỹ đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Công ty PJICO Đà Nẵng tạm ứng một phần chi phí trục vớt và lưu kho bãi để hỗ trợ Công ty Thép Việt Mỹ giải quyết một phần khó khăn về tài chính nhưng Công ty PJICO Đà Nẵng không đồng ý cho tạm ứng. Điều này thể hiện sự vô trách nhiệm của Công ty bảo hiểm” - ông Lê Công Xinh bức xúc.
Ngày 5-1-2018, Cảng vụ Hàng hải TPHCM có báo cáo điều tra nguyên nhân của tai nạn đâm va được xác định là do tàu Quang Trung và phương tiện thủy nội địa New Port Cypress đã không tăng cường công tác cảnh giới từ xa một cách thích đáng và phù hợp, chưa triệt để sử dụng rada để phát hiện sớm và theo dõi liên tục mục tiêu từ xa để đánh giá đầy đủ tình huống và nguy cơ đâm va; không sử dụng tín hiệu điều động và tín hiệu cảnh báo phù hợp trong quá trình điều động tránh va; cả hai phương tiện không tuân thủ quy định khi cắt qua luồng hàng hải.
Sau đó, Công ty Thép Việt Mỹ thuê Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Đà Nẵng tổ chức bán đấu giá lô hàng gặp nạn nói trên với số tiền hơn 15,6 tỷ đồng.
Ngày 5-4-2018, sau khi đã thu thập tất cả các chứng từ liên quan đến tai nạn đâm va và thống kê tổn thất, theo yêu cầu của Công ty PJICO, Công ty Thép Việt Mỹ đã gửi hồ sơ yêu cầu PJICO bồi thường bảo hiểm với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng; trong đó bao gồm 7,75 tỷ đồng thiệt hại của lô hàng và hơn 2,3 tỷ đồng chi phí trục vớt, lưu kho... đối với lô hàng sau khi bị chìm.
Cuối tháng 7-2018, Công ty Thép Việt Mỹ và PJICO sắp xếp thời gian làm việc để giải quyết các vấn đề tranh chấp vào đầu tháng 8-2018 nhưng sau đó PJICO hủy buổi làm việc này vì lý do ông Nguyễn An Hòa, Phó Tổng Giám đốc PJICO - người được giao nhiệm vụ làm việc với Công ty Thép Việt Mỹ bị đau tim.
Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt Mỹ Lê Công Xinh cho biết: "Công ty PJICO không có thiện chí giải quyết vấn đề này. Công ty Việt Mỹ đã nhiều lần liên hệ nhưng Công ty PJICO vẫn liên tục trốn tránh việc họp bàn và giải quyết vấn đề bảo hiểm".
Ông Xinh khẳng định, Điều 323 Luật Hàng hải quy định rõ: "Người bảo hiểm không chịu trách nhiệm đối với những tổn thất xảy ra do hành động cố ý hoặc quá cẩu thả của người được bảo hiểm, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường các tổn thất phát sinh do sơ suất hoặc sai lầm của thuyền trưởng đồng thời cũng là người được bảo hiểm trong việc điều khiển, quản trị tàu và các tổn thất do lỗi của thuyền bộ, hoa tiêu hàng hải. Theo Khoản 3, Điều 16 Luật Kinh doanh Bảo hiểm quy định: “Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong các trường hợp sau đây: a) Bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý.”. Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm". |
PJICO Đà Nẵng nói gì?Trao đổi với PV SGGP Online, ông Lưu Anh Tú, Giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Đà Nẵng, cho biết, việc PJICO từ chối chi trả bảo hiểm cho lô hàng của Công ty Thép Việt Mỹ là dựa trên kết luận điều tra của Cảng vụ Hàng hải TPHCM và căn cứ vào Khoản 8, Điều 6, Chương III (Điều khoản loại trừ bảo hiểm) của Quy tắc Bảo hiểm Hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam. Theo kết luận này, đại diện PJICO Đà Nẵng cho rằng, tại thời điểm xảy ra tai nạn, tàu Quang Trung với định biên không đầy đủ nên không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông. Đây là điểm loại trừ bảo hiểm đã được quy định tại Khoản 8, Điều 6, Chương III của Quy tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam 2008. Do vậy, tổn thất lô hàng thuộc đơn bảo hiểm nêu trên sẽ không được PJICO bồi thường. Ông Lưu Anh Tú (người thứ 2 từ phải sang), Giám đốc Công ty PJICO Đà Nẵng trả lời phỏng vấn các phóng viên “Cụ thể là tàu thiếu định biên, gồm: sĩ quan boong, sĩ quan máy, thợ máy và thủy thủ. Việc thiếu định biên là không đảm bảo khả năng lưu hành đi tàu, nên căn cứ quy định tại Khoản 8, Điều 6, Chương III của Quy tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam 2008, chúng tôi từ chối đền bù đối với Công ty Thép Việt Mỹ” - ông Lưu Anh Tú giải thích. Ông Lưu Anh Tú giải thích thêm về điều khoản loại trừ không đủ khả năng lưu hành đi tàu, không đảm bảo an toàn giao thông để từ chối bảo hiểm: “Quy định về phương tiện không chỉ là phương tiện mà còn là định biên, con người trên phương tiện ấy. Phương tiện không có nghĩa rằng chỉ là máy móc của phương tiện, mà còn là định biên để điều khiển phương tiện đó đảm bảo đầy đủ. Việc quy định đảm bảo khả năng đi biển không chỉ hiểu là trang thiết bị mà còn yếu tố đầy đủ định biên điều khiển tàu. Việc thiếu định biên, có phải là nguyên nhân để xảy ra tai nạn hay không thì PJICO không phải cơ quan chức năng để phân tích yếu tố đấy mà chỉ căn cứ vào kết luận của Cảng vụ Hàng hải TPHCM để quyết định; trong đó có kết luận là thiếu định biên. Và trên cơ sở thiếu định biên đó Cảng vụ Hàng hải TPHCM đã nói rất rõ”. Khi được hỏi việc PJICO ký kết hợp đồng bảo hiểm là bảo hiểm đối với lô hàng 1.799 tấn thép, chủ sở hữu được bảo hiểm là Công ty Thép Việt Mỹ, việc tàu rời bến là đầy đủ tất cả các điều kiện từ phương tiện cho đến định biên, nhưng đến khi tai nạn thì xảy ra thiếu định biên, vậy là lỗi do ai? Và với lý do đó, PJICO viện dẫn điều khoản loại trừ để từ chối bảo hiểm đối với Công ty Thép Việt Mỹ liệu có thoả đáng... thì ông Lưu Anh Tú, cho rằng: “Tôi chỉ biết rằng, theo kết luận điều tra của Cảng vụ Hàng hải TPHCM, tại thời điểm xuất bến thì đủ định biên và tại thời điểm xảy ra tai nạn là thiếu định biên. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, xác định là 9 người gồm 5 hành khách và 4 định biên. Rõ ràng căn cứ kết luận điều tra của Cảng vụ Hàng hải TPHCM thì tại thời điểm xảy ra tai nạn, tàu không đủ định biên; còn tại thời điểm xuất bến được thể hiện rất rõ trong báo cáo hàng hải”. Liên quan đến nội dung PJICO ký hợp đồng bảo hiểm đối với lô hàng của Công ty Thép Việt Mỹ, tại thời điểm ký và tàu xuất bến thì không vi phạm các điều khoản loại trừ, nhưng khi tai nạn thì thiếu định biên. Như vậy, việc để xảy ra thiếu định biên là do lỗi của thuyền trưởng tàu Quang Trung chứ không phải lỗi do Công ty Thép Việt Mỹ, vậy tại sao PJICO từ chối bảo hiểm lô hàng của Công ty Thép Việt Mỹ?... Về vấn đề này, ông Lưu Anh Tú cho rằng: “Tôi không phân tích sâu thêm vấn đề lỗi như thế nào, việc PJICO ký hợp đồng bảo hiểm cho lô hàng này dựa trên 3 cơ sở đó là: Hợp đồng bảo hiểm đã ký và cũng ghi rất rõ là hàng hoá được chuyên chở trên tàu có đủ khả năng đi biển, yếu tố thứ hai là đơn vị bảo hiểm, yếu tố thứ ba là Quy tắc bảo hiểm. Và căn cứ kết luận điều tra của Cảng vụ Hàng hải TPHCM, PJICO xác định không đủ điều kiện đi biển và điều này vi phạm vào điều khoản loại trừ dẫn đến PJICO từ chối bảo hiểm”. Cũng theo ông Lưu Anh Tú: “Việc tại thời điểm xuất bến tàu đảm bảo điều kiện đi biển nhưng chúng tôi không kết luận việc đấy mà chúng tôi căn cứ vào kết luận điều tra của cơ quan chức năng. Rằng tại thời điểm trước đó, cơ quan chức năng xác định là tàu đủ định biên, nhưng tại thời điểm xảy ra tai nạn tàu không đủ định biên. Còn việc để thiếu định biên là lỗi do thuyền trưởng, lỗi do chủ tàu thì vì sao PJICO không bảo hiểm cho lô hàng thì PJICO ký với chủ hàng dựa trên quy tắc bảo hiểm, PJICO chỉ chiếu vào các điểm thuộc phạm vi và không thuộc phạm vi bảo hiểm để làm cơ sở xác định trách nhiệm bồi thường”. Ông Lưu Anh Tú cho rằng: “PJICO cũng căn cứ hợp đồng bảo hiểm với Công ty Thép Việt Mỹ và tôn trọng các điều khoản hợp đồng, trong đó có điều khoản khi hai bên không thể thương lượng thì có thể đưa ra Toà án Đà Nẵng để giải quyết. Và PJICO sẵn sàng chấp hành các phán quyết có hiệu lực của toà". |