“Sát thủ” ít người biết
Mới đây, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM nội soi gắp thành công một viên pin nút áo trong tai bé trai T.T.Đ (5 tuổi, ngụ Bình Thuận). Theo người nhà bệnh nhi, vào ngày 29-8, bé đang chơi ở trường thì được cô giáo phát hiện bé tự nhét 2 viên pin điện tử trong đồ chơi vào tai phải.
Cô giáo đã lấy được một viên ra nhưng không lấy được viên còn lại nên báo người nhà. Gia đình nhanh chóng đưa bé vào bệnh viện địa phương để can thiệp nhưng không được nên chuyển đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM.
Tại đây, các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán hình ảnh ghi nhận ống tai phải bé phù nề, có nhiều mô hoại tử và dị vật kim loại đường kính 8mm, dày 2mm lọt ở trong xương chũm. Bệnh nhi được chuyển phòng mổ để tiến hành gắp dị vật.
Quan sát sau khi lấy dị vật ra, bé Đ bị thủng và mất hoàn toàn màng nhĩ, màng nhĩ phù nề, hoại tử, mất da vùng rìa ngoài màng nhĩ, phần cán búa (bộ phận dẫn truyền thần kinh nghe) bị hoại tử một phần. Đo thính lực tai phải, bé nghe kém, điếc dẫn truyền mức độ trung bình.
“Bé được cho dùng kháng sinh, kháng viêm và tiếp tục vệ sinh tai vài ngày sau để lấy hết dịch trong tai. Dự kiến quá trình điều trị bệnh nhi còn kéo dài và bé còn phải trải qua phẫu thuật vá màng nhĩ để cải thiện sức nghe”, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy cho hay.
Trước đó, một bé gái 3 tuổi đang chơi đùa và nuốt phải viên pin điện tử trong thiết bị đồ chơi, ngay lập tức gia đình đưa bé đến Bệnh viện Tai Mũi Họng để được cấp cứu. Sau khi chụp X-quang ngực, bác sĩ xác định vị trí của viên pin nằm sâu dưới miệng thực quản. Đây là vị trí phức tạp, viên pin lại tròn và trơn nên rất khó gắp. Nếu để lâu, các hóa chất rò rỉ từ viên pin có thể gây nguy hiểm cho em bé.
Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng, Gây mê hồi sức, Ngoại tổng hợp tiến hành hội chẩn và thống nhất gắp dị vật cho bệnh nhi bằng phương pháp nội soi thực quản qua ống cứng gây mê nội khí quản. Với sự cố gắng, các bác sĩ đã gắp ra viên pin đường kính gần 1,5cm.
Cha mẹ cần thận trọng
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy, pin nút áo thường gắn trong đồ chơi trẻ em, có kích thước rất nhỏ nên trẻ dễ lấy tháo ra chơi. Trẻ nhỏ không nhận biết được mức độ nguy hiểm khi nhét pin vào các hốc tự nhiên như miệng, mũi, tai, gây mắc kẹt không lấy ra được. Những viên pin nút áo sẽ trở nên nguy hiểm ngay khi chúng tiếp xúc với những vùng ướt như bên trong miệng hoặc cổ họng, mũi, tai. Bề mặt ẩm ướt gây ra phản ứng hóa học khi pin bắt đầu phát điện, và phản ứng này có thể gây bỏng nặng cho mô sống.
Nếu nuốt phải hoặc đưa vào cơ thể một viên pin, nó có thể gây bỏng bên trong ngay trong vòng vài giờ và dẫn đến các vấn đề về nuốt và thở. Thậm chí, có thể làm tổn thương hoặc gây tử vong ngay cả khi viên pin đã “chết” không còn cung cấp điện cho đồ dùng.
“Ngoài ra, trong viên pin có dung dịch kiềm, ăn mòn cao, khi tiếp xúc với niêm mạc sẽ gây ra bỏng lạnh, hình thành vết thương nghiêm trọng. Nếu xử lý trễ (trên 24 tiếng), trẻ có thể đối diện các biến chứng cực kỳ nguy hiểm như thủng, hoại tử niêm mạc, sẹo dính niêm mạc nơi tiếp xúc. Do đó, khi phát hiện trẻ nhét pin vào mũi, tai, gia đình và nhà trường nên chuyển trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để xử trí lấy dị vật, bơm rửa tại chỗ vùng có pin, tránh mô hoại tử lan rộng”, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy khuyến cáo.
PGS-TS Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, nhấn mạnh pin nút áo rất nguy hiểm vì trẻ em có thể nhầm chúng với kẹo, khi nuốt phải dễ bị mắc kẹt trong cổ họng. Mặc dù pin mới độc hơn, nhưng ngay cả những viên pin không còn hoạt động cũng rất nguy hiểm và cha mẹ được khuyên nên cất giữ hay vứt bỏ chúng cẩn thận. Khi phát hiện trẻ nuốt pin, tuyệt đối không được gây nôn vì không hiệu quả mà có thể làm nặng thêm tình trạng ngộ độc.
“Hiện Tết Trung thu đang đến gần, cha mẹ mua sắm những lồng đèn điện tử cho con cần thận trọng, bởi trong nhiều loại lồng đèn đó đều sử dụng pin nút áo. Cách tốt nhất để bảo vệ trẻ là đặt mọi thứ an toàn ngoài tầm với và kiểm tra kỹ xem tất cả đồ chơi có ốc vít để bảo đảm an toàn cho pin hay không”, PGS-TS Trần Phan Chung Thủy cảnh báo.
Theo thống kê của Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, mắc kẹt dị vật do pin nút áo là tai nạn khá thường gặp ở trẻ em những năm gần đây. Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, bệnh viện tiếp nhận 38 ca dị vật liên quan đến pin nút áo (trung bình mỗi tuần có 2 - 3 ca nhập viện). Mắc kẹt dị vật pin chủ yếu rơi vào trẻ dưới 5 tuổi và gây hậu quả nặng nề hơn ở người lớn. |