Trong hành trình tìm kiếm cách thức để tận dụng tối đa giá trị của mỗi tấm pin quang năng, các nhà nghiên cứu nhận thấy điểm mấu chốt chính là làm sao để có thể tận dụng được cả nguồn ánh sáng mặt trời phản chiếu trên mặt đất. Loại pin 2 mặt sẽ có thể chuyển đổi song song không chỉ ánh sáng từ mặt trời chiếu trực tiếp xuống bề mặt pin thành điện năng mà chúng còn có thể hấp thụ nguồn ánh sáng được phản chiếu lại từ mặt đất để nâng cao hiệu quả.
Ngoài ra, hầu hết các tấm pin mặt trời được lắp đặt trên khắp thế giới đều cố định ở một vị trí, không có khả năng thích ứng với sự thay đổi nguồn nhiệt năng từ mặt trời chiếu xuống. Do đó, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu năng lượng mặt trời Singapore (SERIS) đã nghiên cứu các tấm pin mặt trời có khả năng biến ánh sáng mặt trời thành điện ở cả 2 phía. Họ cũng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo sử dụng thông tin thời tiết toàn cầu để các tấm pin có thể tự dịch chuyển đến vị trí tốt nhất nhằm hấp thu ánh nắng suốt cả ngày.
Bằng cách kết hợp dữ liệu từ các tấm pin 2 mặt và công nghệ theo dõi mặt trời, Carlos Rodríguez-Gallegos và nhóm của ông tại SERIS nhận thấy rằng hiệu quả sản xuất điện có thể tăng đến 35% và giảm chi phí trung bình 16%. Loại pin 2 mặt này có thể sản xuất ra nhiều năng lượng hơn so với các khối pin chỉ có một mặt và là ý tưởng tuyệt vời cho những thành phố hạn chế về mặt không gian cũng như có thời tiết nhiều mây như Singapore.