Nhiều khó khăn, nguy hiểm
Những người đi phượt thường là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên, người đã đi làm có mức thu nhập ổn định. Họ tự chọn cho mình địa điểm tham quan, cung đường; linh hoạt về thời gian và phương tiện di chuyển, chấp nhận những hành trình bụi bặm, vui với niềm vui được cùng nhau đi những cung đường mới, chinh phục những kỳ quan thiên nhiên, chụp ảnh và khám phá những cảnh đẹp. Phượt là việc khó khăn, nguy hiểm, vì phải chạy xe xuyên đêm, đi những cung đường lạ, ăn ngủ tạm bợ bên đường; nhưng như vậy lại rất thú vị, có sức lôi cuốn đối với các bạn trẻ hiếu động, thích trải nghiệm.
Bạn Nguyễn Thị Đào (sinh viên Đại học Y Hà Nội) kể: “Hồi tháng 3, tụi mình đi phượt cung đường Hà Nội - Hà Giang. Do dừng và chụp ảnh quá nhiều nên nhóm mình đến điểm nghỉ ngơi bị trễ so với thời gian dự kiến. Đi đêm, lại đi đường núi, một bên là vách đá, một bên là vực sâu, đường tối om, chỉ có chút ánh sáng đèn xe và đèn pin thôi, nên thật không an toàn. Đang đi thì thấy nhiều người dừng lại lao xao. Hỏi ra mới biết có 1 anh của đoàn phượt đi trước vừa lao xuống vách đá, không phanh kịp, may mà anh ấy nhảy kịp trước khi xe lao xuống vực. Nhớ lại thấy mình đã thật liều mạng, nghĩ vậy nhưng rồi cũng chẳng ai bỏ cuộc”.
Mỗi chuyến đi phượt cần có những người đồng hành cùng chí hướng, có chung đam mê. Sau mỗi chuyến đi lại có thêm những người bạn thân thiết. Có những đoàn phượt tập hợp những người xa lạ, chỉ biết nhau khi đi chung, do đó đã xảy ra những trường hợp bất đồng quan điểm. Hiện nay, có rất nhiều đoàn phượt kém ý thức, phóng xe chạy tốc độ cao trên đường, gây mất an toàn giao thông.
Đã có rất nhiều trường hợp người tham gia phượt không tuân thủ luật giao thông, phóng nhanh vượt ẩu, gây ra các vụ va chạm giao thông, thậm chí xô xát với người đi đường. Có những người thiếu ý thức chấp hành các quy định của chính quyền địa phương nơi đến, không tôn trọng tập tục, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa, phá nát hoa màu, quang cảnh nơi đã đi qua, thậm chí phá hoại môi trường sinh thái, phá hoại tài sản công cộng. Những hành độngnhư vậy chỉ là mượn cớ đi phượt để đi quậy, đi để chụp ảnh khoe lên facebook.
Cần rất nhiều kỹ năng
Hành trình phượt cũng là hành trình khám phá, chinh phục bản thân. Nhiều đoàn phượt song song với việc đi dã ngoại còn tổ chức các hoạt động từ thiện, quyên góp quần áo, sách vở để tặng trẻ em những nơi vùng sâu, vùng cao mà họ đi qua. Anh Bùi Văn Lực (trong nhóm phượt Thanh Hóa) tâm sự: “Đi phượt không chỉ là đi chơi, đôi khi tụi tôi kết hợp đi phượt và tặng quà trợ giúp các em nhỏ ở vùng cao. Chỉ là cái áo, quyển vở, cuốn sách, nhưng thấy các bé hân hoan đón nhận, thật cảm động, tụi mình chỉ mong có thể làm được nhiều hơn thế”.
Đi phượt không phải chỉ đơn giản là mặc áo phản quang, đeo ba lô, lên xe máy đi du lịch bụi. Người tham gia phượt phải chuẩn bị cho bản thân những đồ dùng, vật dụng thiết yếu, gọn nhẹ; đồng thời cần có cẩm nang sống, kiến thức, quy tắc đi đường, kỹ năng mềm trong giao tiếp, nghiêm túc tuân thủ các quy tắc của đoàn phượt. Bạn Lê Thành Nhân (học sinh Trường THPT Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ: “Khi đi phượt, mình không thể lường trước được những sự cố bất ngờ, như xe hỏng, hết xăng, thời tiết thất thường. Do vậy, trước khi đi tụi mình chuẩn bị dụng cụ sửa xe, biết sửa những hư hỏng cơ bản của xe máy, thậm chí còn phải tra cứu trước số điện thoại sửa xe lưu động để khi cần còn gọi”.
Bạn Phạm Cường (sinh viên Đại học Bách khoa TPHCM) cho biết: “Mình đã từng đi du lịch bụi bằng xe máy đến nhiều địa điểm, nhưng nếu nói là phượt đúng chất thì chỉ dám nhận có một lần thôi. Đừng đồng nhất đi phượt là đi chơi. Phượt là đi để trải nghiệm, để khám phá cái hay cái đẹp trên từng cung đường, chứ không phải đi cho nhanh để đến địa điểm nào đó. Người đi phượt phải có ý thức trách nhiệm và văn hóa ứng xử khi bước vào hành trình khám phá những vùng đất mới".