Sáng 24-10, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã được chỉnh lý, bổ sung nhiều điểm mới.
Luật hoá việc mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh
Bà Nguyễn Thuý Anh cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chính phủ đề nghị cho phép bổ sung một mục về thử nghiệm lâm sàng và đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh cho người hành nghề của cơ sở và cho chính cơ sở tại doanh nghiệp bảo hiểm.
“Việc quy định các nội dung nêu trên là cần thiết nhằm bảo đảm những quy định liên quan đến quyền con người được quy định bằng luật và nhằm bảo vệ người hành nghề cũng như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và đã thể hiện vào dự thảo Luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ.
Một số chính sách mới đáng lưu ý khác cũng đã được ghi nhận, đưa vào dự thảo. Ví dụ như, về quy định liên quan đến cấp cứu, dự thảo luật đã quy định hai hình thức tổ chức cấp cứu, đó là, cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cấp cứu ngoại viện. Để việc triển khai áp dụng được thuận lợi, bổ sung quy định về hoạt động, nguyên tắc, tiêu chí tổ chức hệ thống cấp cứu ngoại viện, cơ chế thanh toán, nguồn kinh phí chi trả cho hình thức vận chuyển cấp cứu trong trường hợp tai nạn, thiên tai, thảm họa, làm cơ sở để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức hệ thống cấp cứu ngoại viện của Nhà nước trên địa bàn được giao quản lý; bổ sung cơ sở cấp cứu ngoại viện vào hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Còn ý kiến khác nhau về giá dịch vụ khám, chữa bệnh
Về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo luật đã chỉnh lý theo 2 phương án và gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Qua quá trình lấy ý kiến, đa số ý kiến lựa chọn phương án 2, đó là quy định rõ các hình thức xã hội hóa, đặc biệt chỉ rõ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư chỉ áp dụng trong việc thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng và giao Chính phủ quy định chi tiết, đồng thời, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội đã góp ý vào một số nội dung của phương án này.
Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và dự kiến chỉnh lý dự thảo luật theo 2 phương án; gửi xin ý kiến đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, theo đó, 17 đoàn đề nghị lựa chọn phương án 1 và 20 đoàn đề nghị lựa chọn phương án 2.
Tuy nhiên, qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự án Luật Giá (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này. Nguyên tắc, phương pháp tính giá cũng như thẩm quyền quyết định giá cần được quy định tại luật chuyên ngành về giá để đảm bảo tính bao quát, toàn diện, do đó, xin phép Quốc hội cho phép tại Điều 108 chỉ quy định về chi phí khám bệnh, chữa bệnh; việc quản lý, kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh và các yếu tố căn cứ tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, bổ sung quy định ngân sách nhà nước chi bù các khoản chi phí chưa được tính trong giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và quy định lộ trình thực hiện việc chi bù này được áp dụng từ 1-1-2027.