Một số ngân hàng đòi hỏi công an phải vào cuộc khiến sự việc trở nên phức tạp, kéo dài. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đề xuất phương án phong tỏa tài khoản để lấy lại tài sản cho khách khi chuyển tiền nhầm.
Có luật nhưng không đơn giản
Thông thường, các ngân hàng không thể xác định được khách hàng có thật sự chuyển nhầm hay không, nên không dám phong tỏa tài khoản, ngại ảnh hưởng đến khách hàng khác. Và mỗi ngân hàng hay hệ thống tài chính có quy trình xử lý khác nhau. Trường hợp tài khoản nhận khác ngân hàng, ngân hàng chuyển sẽ báo đến phía ngân hàng nhận về giao dịch nhầm này và phải chờ 3 - 5 ngày để phía ngân hàng nhận đưa ra hướng xử lý.
Trước đây, NHNN không cho phép các ngân hàng thương mại phong tỏa số tiền tài khoản nhận nhầm vì lo trường hợp các bên có thỏa thuận thanh toán, nhưng sau đó có tranh chấp thì bên thanh toán đến ngân hàng thông báo chuyển nhầm để hủy lệnh thanh toán. Do vậy, cách xử lý là khi nhận thông báo chuyển nhầm là ngân hàng phải liên hệ với chủ tài khoản nhận để trao đổi về việc chuyển nhầm tiền và đề nghị người nhận chuyển trả lại số tiền cho người chuyển nhầm. Nếu người nhận không đồng ý trả lại tiền, ngân hàng cũng không dám trích tiền chuyển trả theo yêu cầu của bên chuyển nhầm được mà bên chuyển phải báo công an hoặc kiện ra tòa án. Khi có yêu cầu từ cơ quan công an, ngân hàng mới được thực hiện khoanh tiền trên tài khoản người nhận để xử lý. Việc xử lý thường mất rất nhiều thời gian, vì đôi khi người nhận không hợp tác. Hơn nữa, nếu xử lý theo quy trình tố tụng thì thường kéo dài, lúc giải quyết xong người nhận tiền nhầm có thể rút ra xài thì càng khó đòi lại.
Mặc dù theo quy định của Bộ luật Dân sự, việc chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật buộc phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu, nếu không trả có thể phạm tội hình sự, nhưng nhiều người không biết quy định này nên gây khó khăn khi giải quyết. Để hạn chế việc chuyển tiền nhầm, các dịch vụ chuyển tiền, thanh toán qua E-banking (thanh toán điện tử) đã có chức năng kiểm tra tên chủ tài khoản khi nhập số tài khoản đối với một số ngân hàng liên kết, còn một số hình thức thanh toán khác không có chức năng này. Do vậy, tranh chấp chuyển nhầm vẫn thường xảy ra.
Phong tỏa tài khoản, bảo vệ tài sản người chuyển nhầm
Trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN đề xuất bổ sung quy định về việc phong tỏa tài khoản số tiền trong trường hợp người chuyển tiền nhầm, nhằm giúp khách hàng lấy lại được tài sản đã chuyển nhầm cho người khác. Cụ thể, dự thảo nghị định, NHNN đề xuất bổ sung thêm quy định mới như phong tỏa tài khoản thanh toán trong các trường hợp như tài khoản thanh toán gian lận, vi phạm pháp luật hoặc trường hợp khách hàng chuyển tiền có nhầm lẫn về số hiệu tài khoản, số tiền...
Trong thực tế, không chỉ chuyển tiền nhầm mà có trường hợp người dùng sơ hở, bị hacker hay kẻ lừa đảo chiếm đoạt được tài khoản rồi thanh toán hoặc chuyển số tiền đi nơi khác, thì chủ tài khoản có thể thông báo với ngân hàng việc chuyển tiền có nhầm lẫn để yêu cầu ngân hàng phong tỏa số tiền, các bên làm việc lẫn nhau để làm rõ nội dung chuyển có thật hay không. Do vậy, trong bối cảnh tội phạm công nghệ gia tăng, diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi, việc bổ sung quy định này là cần thiết để ngăn chặn tội phạm chuyển tiền sau khi lừa đảo thành công. Tài khoản cũng sẽ bị phong tỏa khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung hoặc khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.
Trong các trường hợp này, phong tỏa tài khoản sẽ chấm dứt khi có bằng chứng về việc tài khoản thanh toán không gian lận hoặc vi phạm pháp luật; khi đã xử lý xong sai sót, nhầm lẫn trong thanh toán chuyển tiền hoặc tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung đã được giải quyết. Do vậy, khi yêu cầu chuyển tiền các bên phải có bằng chứng bằng hoạt động mua bán để chứng minh việc chuyển tiền là hợp pháp. Tuy nhiên, NHNN cũng quy định nếu người yêu cầu phong tỏa tài khoản trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.