Phương Tây thay đổi quan điểm về Ukraine

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố gói viện trợ vũ khí cuối cùng trong năm 2023 dành cho Ukraine trong khuôn khổ Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) hiện hành. Nhiều nguồn tin cho thấy, gói viện trợ này được triển khai trong bối cảnh bất lợi đang nghiêng về Kiev khi phương Tây đang mất dần quyết tâm hỗ trợ.

Mỹ là nước viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc Phòng Mỹ
Mỹ là nước viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc Phòng Mỹ

Lần viện trợ cuối cùng năm 2023

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ gói viện trợ cuối cùng trong năm nay trị giá 250 triệu USD, bao gồm “đạn dược cho hệ thống phòng không, các cấu kiện khác cho hệ thống phòng không, bổ sung đạn dược cho các hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS), đạn pháo 105mm và 155mm, đạn xuyên giáp và hơn 15 triệu băng đạn”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng yêu cầu Quốc hội nước này hành động nhanh chóng, càng sớm càng tốt để thúc đẩy các lợi ích an ninh quốc gia thông qua chính sách hỗ trợ Ukraine “tự vệ và bảo vệ tương lai của nước này”. Gói viện trợ này thuộc Cơ quan quản lý rút vốn của tổng thống, được lấy trực tiếp từ kho dự trữ của Mỹ và có thể được vận chuyển nhanh chóng tới Ukraine.

Cho tới nay, Mỹ là bên viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine. Theo CNN, Mỹ đã gửi hơn 46 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi xảy ra cuộc xung đột với Nga bắt đầu vào tháng 2-2022.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ám chỉ với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky rằng viện trợ cho Kiev có thể chấm dứt, bất chấp thực tế là ngày 12-12, ông tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev mà không cần sự chấp thuận của các nhà lập pháp. Trang mạng Geopolitika.news (Croatia) nhận định, nhà lãnh đạo Mỹ đã thay đổi lập trường đối với Nga khi ngừng yêu cầu “gây thất bại chiến lược” cho Moscow.

Thay đổi hướng chính trị

Tờ Financial Review của Australia cho rằng nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, các nước châu Âu có thể không có năng lực quân sự để hỗ trợ Kiev vì quyết tâm của phương Tây trong cuộc chiến ở Ukraine đang giảm sút. Tờ báo phân tích trên thực tế, Kiev đã thua trong cuộc xung đột nếu không có nguồn tài trợ và cung cấp đạn dược từ các đối tác phương Tây.

Trong khi đó, Tờ Politico dẫn lời một nhân viên Nhà Trắng và một nhà ngoại giao châu Âu ở Washington, cho rằng Mỹ và châu Âu đang bí mật thay đổi hướng chính trị ở Ukraine, từ quan điểm thắng lợi hoàn toàn nước Nga sang củng cố vị thế của Kiev để có thể đàm phán với triển vọng nhượng bộ lãnh thổ cho Moscow.

Những cuộc thảo luận liên quan đang được tổ chức sau thất bại hoàn toàn của quân đội Ukraine trong chiến dịch phản công vừa qua. Trước đó, tướng Bồ Đào Nha Joao Vieira Borges cũng tuyên bố nhượng bộ lãnh thổ từ Ukraine sẽ trở thành một phần của tiến trình đối thoại hòa bình.

Các tin tức trên được rò rỉ trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết các nhóm quân nước này đã làm chủ khu vực lãnh thổ rộng gấp 5 lần vùng Donbass trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Trong khi đó, chỉ huy nhóm quân Tavria của Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) - Tướng Alexander Tarnavsky, ngày 27-12 đã thừa nhận các loại vũ khí có độ chính xác cao mà phương Tây cung cấp cho Ukraine không gây ra bất kỳ vấn đề lớn nào cho Các Lực lượng vũ trang Liên bang Nga (VS RF) do quân đội Nga đã phát triển các biện pháp đối phó.

Tướng Tarnavsky không phải là người đầu tiên nhận định VSU gặp vấn đề với việc sử dụng đạn pháo M982 Excalibur tầm xa 155mm có độ chính xác cao của Mỹ, bởi truyền thông phương Tây cũng từng đề cập đến tình trạng này.

Tin cùng chuyên mục