Từ một lời hứa
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh - người khởi xướng dự án kể: Phượng Khấu được hình thành từ một lời hứa cách đây 5 năm. “Đó là lần đầu tôi đến với Huế và sững sờ trước một triều đại có văn hóa, kiến trúc rất đẹp. Phượng Khấu xuất phát từ 2 chữ tự ái và tự trọng. Chúng ta hoàn toàn tự tin rằng, người Việt đã tạo ra những sản phẩm văn hóa giá trị, văn minh không thua kém quốc gia châu Á nào. Văn hóa chính là hồi môn do ông cha để lại. Và tôi muốn làm ra sản phẩm từ chính những hồi môn đó”.
Ý tưởng đó cộng với sự hợp sức của những người trẻ có chung đam mê, Phượng Khấu dần thành hình. Câu chuyện lịch sử trong phim được 2 nhà sử học Lê Văn Lan, Nguyễn Khắc Thuần và nhóm Thiên Nam Lịch đại Hậu phi cố vấn, chỉnh sửa đảm bảo việc tôn trọng các cột mốc, sự kiện lịch sử. Theo giáo sư Lê Văn Lan: “Làm Phượng Khấu là sự trả lại công bằng cho lịch sử, giúp lịch sử đến với mọi người một cách tươi tắn, sinh động. Đừng gọi Phượng Khấu là phim cổ trang. Hãy gọi nó là bộ phim về những thâm cung bí sử, về những người phụ nữ trong cung đình đã có tác động đến triều chính từ hàng trăm, hàng ngàn năm nay”.
Phượng Khấu là dự án của nhiều cái đầu tiên và khác biệt. Theo đồng biên kịch Tôn Thất Minh Khôi, lần đầu tiên một câu chuyện thâm cung bí sử chốn hậu cung Việt được đưa lên màn ảnh, góp phần tôn vinh những giá trị về lễ nghi, văn hóa, ẩm thực, nhã nhạc cung đình… Cũng lần đầu tiên một bộ phim nghiên cứu và sử dụng chính xác nhất có thể về trang phục thời Nguyễn do Ỷ Vân Hiên - công ty uy tín trong lĩnh vực phục dựng trang phục cổ đảm nhận. Riêng các loại mũ mão được nghệ nhân Vũ Kim Lộc thực hiện.
Phượng Khấu cũng quy tụ dàn diễn viên 4 thế hệ, từ NSƯT Lê Thiện, NSND Hồng Vân, NSƯT Thành Lộc, Hồng Đào đến diễn viên Huy Khánh, Diễm My, Jun Phạm, Vân Trang, bé Ngọc Lan Vy... “Tôi chỉ ao ước được một lần mặc áo Nhật Bình và chụp hình về khoe mẹ, không ngờ mối lương duyên đó giúp tôi có cơ hội tham gia một vai diễn trong phim”, nghệ sĩ Hồng Đào - người thủ vai Từ Dụ Thái hậu, cho biết.
Hành trình tiếp nối
Hành trình của Phượng Khấu mới chỉ bắt đầu và những khó khăn đang ở phía trước. Theo tiết lộ, riêng phục trang đã chiếm khoảng 1/3 chi phí (dự kiến mỗi tập 60 phút là 2 tỷ đồng), với gần 300 bộ được may mới. Trước những tranh cãi liên quan đến vấn đề phục trang, đại diện Công ty Ỷ Vân Hiên cho biết: “Trước đây hầu hết chúng ta chưa có cái nhìn đúng và đủ về trang phục thời xưa. Do thiếu thốn tư liệu, ghi chép, tranh ảnh nên chúng tôi cố gắng tạo ra những cổ phục tiệm cận nhất với lịch sử dân tộc. Sẽ còn phần nào đó chưa chuẩn mực, nhưng chúng tôi luôn đón nhận mọi ý kiến với tâm thế mở”.
Theo đạo diễn Tuấn Anh, phim không đáp ứng yêu cầu phục chế mà chỉ cố gắng phỏng dựng các cổ phục theo hướng gần nhất với phục dựng. Quan điểm của anh: “Cần nhìn nhận chúng ta xuất phát từ đâu, học hỏi cái gì và sáng tạo thế nào”. Trong Phượng Khấu, lần đầu tiên khán giả có cơ hội chiêm ngưỡng những long bào, hoàng bào, phượng bào, các loại mũ mão… được thiết kế với hình dáng, màu sắc, họa tiết, hoa văn chân thực. Nhiều chất liệu được đặt từ các làng nghề truyền thống khắp cả nước.
Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện phục trang là đảm bảo tiến độ. Riêng phần mũ mão, theo nghệ nhân Vũ Kim Lộc, mỗi năm ông chỉ có thể hoàn thành một tác phẩm. Ê kíp đã áp dụng công nghệ 3D để phỏng dựng, bao gồm cả việc thiết kế bối cảnh. Dự kiến có khoảng 50 bối cảnh, trong đó đại cảnh đăng cơ của Hoàng đế Tự Đức được thực hiện theo phương pháp 3D dựa trên các tài liệu nhằm sát nhất với không gian lịch sử. “Với tình yêu lịch sử, chúng tôi cố gắng thực hiện bộ phim tốt nhất có thể”, anh Việt Phương - người thiết kế 3D cho phim nói...
Phượng Khấu được thực hiện với thể loại original series (loạt phim gốc), gồm 3 mùa, 6 tập/mùa, 60 phút/tập. Phim dự kiến bấm máy tháng 9 và sẽ phát sóng song song trên một nền tảng truyền hình trả phí và YouTube.