Theo Sở Nội vụ TPHCM, những phường thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn này đều là những phường ở vị trí lõi trung tâm của TPHCM. Vì thế, áp lực quản lý hành chính, quản lý nhà nước, phục vụ người dân không chỉ tại địa phương mà còn khách du lịch, bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân, người dân tạm cư ở mức rất cao, gấp nhiều lần dân số địa phương, như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hùng Vương, Ký túc xá Đại học Bách Khoa…
Phương án sắp xếp dự kiến cụ thể như sau:
Tại quận 2, sáp nhập phường An Khánh và phường Thủ Thiêm (dự kiến tên gọi là phường Thủ Thiêm), với quy mô dân số sau khi sáp nhập 428 người, diện tích 3,25km2. Phường An Khánh và phường Thủ Thiêm tiếp giáp nhau, đều là phường giải tỏa trắng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo Sở Nội vụ, hiện nay dân số chưa đạt so với quy định, do hai phường thuộc diện giải tỏa trắng, nhưng trong tương lai gần, dân số sẽ đạt trên 130.000 người theo quy hoạch, lớn hơn khoảng 8 lần so với quy định. Khi đó, khả năng quản lý điều hành của bộ máy chính quyền cơ sở cũng sẽ bị áp lực lớn trong điều kiện tinh giản biên chế.
Cũng tại quận 2, hai phường Bình An và Bình Khánh nhập lại với diện tích 3,92km2, dân số hơn 23.000 người. Hai phường này tiếp giáp nhau và đều có một phần giải tỏa trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong đó, phường Bình Khánh là phường tập trung bố trí tái định cư các dự án của TPHCM và quận 2, với dự án 12.500 căn hộ (đến nay đã hoàn thành 5.334 căn hộ) nên dân số sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Sở Nội vụ đánh giá, tuy diện tích tự nhiên sau sáp nhập chưa đảm bảo theo quy định nhưng tỷ lệ mật độ xây dựng ở các phường này là rất lớn. Riêng với dự án 12.500 căn hộ và các khu chung cư (trung bình mỗi căn hộ khoảng 60m2), mật độ sàn xây dựng các khu chung cư trên địa bàn phường sau sáp nhập đạt trên 5,5km2. Khi đó, quy mô dân số sẽ đạt trên quy định.
Tại quận 3, TP sáp nhập phường 6, 7 và 8 thành phường mới có diện tích 2,19km2 và dân số trên 36.700 người.
Tại quận 4, TP sáp nhập phường 5 và phường 2 thành phường 2 (mới), diện tích 0,35km2, dân số gần 17.500 người; sáp nhập phường 12 với phường 13 thành phường 13 (mới), rộng 0,84km2, dân số hơn 18.500 người. Dự kiến, phường 13 (mới) liên tục gia tăng dân số và quy mô dân số sẽ đạt khoảng 40.000 người dân, bởi nhiều dự án sẽ triển khai tại đây.
Tại quận 5, sáp nhập phường 12 và phường 15 thành phường 15 (mới), rộng gần 0,6km2, dân số hơn 16.500 người.
Tại quận 10, dự kiến sáp nhập phường 3 với phường 2 thành phường 2 (mới), rộng 0,3km2, dân số gần 24.900 người.
Tại quận Phú Nhuận, TP sáp nhập phường 12 với phường 11 thành phường mới rộng 0,39km2, dân số hơn 15.200 người; sáp nhập phường 14 với phường 13 thành phường mới rộng 0,29km2, dân số 15.500 người.
Như vậy, sau khi thực hiện sắp xếp, quận 2 còn 9 phường, giảm 2 phường so với hiện nay; quận 3 còn 12 phường, giảm 2; quận 4 còn 13 phường, giảm 2; quận 5 còn 14 phường, giảm 1; quận 10 còn 14 phường, giảm 1 và quận Phú Nhuận còn 13 phường, giảm 2. Tổng số phường, xã, thị trấn trên địa bàn TPHCM sau khi sắp xếp là 312 (249 phường, 58 xã, 5 thị trấn), giảm 10 phường.
Về lộ trình sắp xếp, Sở Nội vụ TPHCM cho hay, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ, UBND TPHCM sẽ chỉ đạo UBND quận xây dựng đề án chi tiết sắp xếp các phường và lấy ý kiến cử tri. Nếu trên 50% tổng cử tri trên địa bàn tán thành, thì UBND phường, UBND quận tổng hợp, trình HĐND phường, HĐND quận thông qua phương án sắp xếp. Công tác này dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11-2019.
Trên cơ sở đề án của các quận, UBND TPHCM tổng hợp, trình HĐND TPHCM xem xét, thông qua dự kiến vào tháng 12-2019. Đồng thời, trong kỳ họp đó, UBND TPHCM sẽ trình HĐND TPHCM thông qua Đề án về cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực tiếp trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Trong đó, có đối tượng dôi dư do sáp nhập phường.
Sau khi HĐND TPHCM thông qua đề án, UBND TPHCM hoàn thiện hồ sơ Đề án, báo cáo Bộ Nội vụ thẩm định trước khi báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp lại các phường ở TPHCM, UBND TPHCM sẽ chỉ đạo việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, viên chức tại phường mới; giải quyết chế độ, chính sách với nhân sự dôi dư; chuyển đổi giấy tờ liên quan cho người dân.
Sở Nội vụ TPHCM kiến nghị UBND TPHCM đề nghị Bộ Nội vụ xem xét để TPHCM triển khai sắp xếp các phường sau Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, để tập trung tổ chức Đại hội.
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không chỉ thực hiện riêng ở TPHCM, mà trên cả nước. Năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1211 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Năm 2018, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 37 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Ngày 12-3-2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 653 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Gần đây nhất, ngày 14-5-2019, Chính phủ có Nghị quyết số 32 ban hành kế hoạch thực hiện việc sắp xếp. Trên cơ sở đó, ngày 25-5-2019, UBND TPHCM có kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TPHCM trong giai đoạn 2019-2021. Việc sáp nhập chia làm 2 giai đoạn, theo tiêu chuẩn của Nghị quyết số 1211. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện 2019-2021, những phường không đạt 50% tiêu chuẩn về cả diện tích và dân số thì phải sáp nhập. Về tiêu chuẩn, theo quy định, cấp phường thuộc quận phải có dân số từ 15.000 người trở lên; diện tích tự nhiên từ 5,5km2 trở lên. Trong năm 2019, mục tiêu của TP là cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các phường có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định. |