Ngoài việc đẩy thỏa thuận vào chỗ bấp bênh, cách tiếp cận này còn đặt gánh nặng hành động lên các bên ký kết, đặc biệt là châu Âu. Tuy nhiên, trang mạng Foreign Affairs cho rằng châu Âu không cần nhượng bộ trước tối hậu thư của ông Trump.
Cụ thể, nếu Mỹ từ chối lắng nghe, thì châu Âu khi đó có thể chuyển sang Kế hoạch B: giữ lại thực chất của thỏa thuận bất kể Mỹ lựa chọn làm gì, cũng giống như các thành viên đã tìm cách cứu vãn thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu sau khi Mỹ rút, và như các nước Thái Bình Dương đã xây dựng một hiệp ước thương mại thay thế sau khi ông Trump bác bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Một trong những biện pháp hữu ích là khôi phục các “quy tắc mang tính ngăn chặn”. Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên đưa ra một đạo luật như vậy vào năm 1996 để giải phóng các nước thành viên của mình khỏi việc phải tuân theo những biện pháp trừng phạt bên ngoài lãnh thổ của Mỹ nhằm vào Iran và Cuba. Kết hợp với một lời đe dọa kiện Mỹ ra Tổ chức Thương mại thế giới, họ đã thực sự ngăn chặn được Mỹ thực hiện các biện pháp trừng phạt đó trong hơn 1 thập kỷ. Đạo luật này đã dần suy yếu khi EU cùng Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt gay gắt nhằm vào Iran vào năm 2006. Nếu khôi phục các quy định mang tính ngăn chặn, châu Âu sẽ chứng tỏ họ không tuân theo những quyết định không có cơ sở của Mỹ về các biện pháp trừng phạt Iran, và rằng họ sẽ hoàn trả tiền phạt cho các công ty châu Âu và bồi thường thiệt hại vì đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ. Những biện pháp này vốn hiếm khi được thực thi và có thể dẫn đến chiến tranh thương mại xuyên Đại Tây Dương. Nhưng phí tổn trong kịch bản này là có thể chấp nhận được đối với châu Âu để tránh Iran mở rộng chương trình hạt nhân hoặc Mỹ và Israel áp dụng biện pháp quân sự.
Châu Âu cũng có thể đàm phán về một quan hệ đối tác dài hạn trong lĩnh vực năng lượng hay một thỏa thuận đầu tư song phương với Iran. Một tổ chức chung của châu Âu, như Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD), có thể giúp các công ty có quy mô từ nhỏ đến vừa thực hiện công việc thẩm tra chi tiết để đảm bảo rằng các đối tác địa phương của họ không phải là mục tiêu của các biện pháp trừng phạt còn lại của EU hoặc LHQ. EU cũng đang xem xét việc cho phép Iran trở thành một đối tác của Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), điều sẽ giúp Iran có đủ điều kiện để nhận các khoản vay liên quan đến việc phát triển từ EU. Về các điều khoản cuối cùng của JCPOA, châu Âu có thể khuyến khích tập đoàn làm giàu urani là Urenco tiếp cận Tehran về việc xây dựng một nhà máy làm giàu urani đa quốc gia ở Iran, tạo điều kiện cho cộng đồng quốc tế tiếp tục giám sát ngay cả sau khi một số điều khoản của JCPOA hết hiệu lực.
Dù cách nào, có Mỹ hay không, châu Âu muốn chứng tỏ với Iran rằng có một con đường ở phía trước, Tehran tốt hơn là nên tuân thủ thỏa thuận và duy trì quan hệ kinh doanh với châu Âu thay vì từ bỏ hoàn toàn. Với việc Iran đã tăng gần gấp đôi kim ngạch thương mại với châu Âu trong năm 2017, châu lục này được cho là nắm chìa khóa để duy trì thỏa thuận.