Phương án B

Các quan chức Mỹ đang sốt ruột khi thỏa thuận an ninh Mỹ – Iraq có khả năng không thể thông qua trước cuối năm nay, thời điểm quân đội Mỹ được ủy quyền của LHQ triển khai tại Iraq hết hạn. Hiện các quan chức Iraq đang xem xét lại dự thảo, trong đó lính My sẽ rút khỏi các thành phố Iraq vào giữa năm 2009 và rời khỏi Iraq vào 31-12-2011.

Vấn đề chính gây cản trở thỏa thuận này từ nhiều tháng qua là việc Mỹ yêu cầu lính Mỹ được miễn trừ luật Iraq trong trường hợp phạm tội. Hiện dự thảo phải được 3 cơ quan chính trị của Iraq thông qua: Hội đồng An ninh quốc gia (gồm thủ tướng, tổng thống, 2 phó tổng thống, các lãnh đạo khối chính trị và chủ tịch quốc hội), theo thông báo diễn ra vào 17-10 này.

Bước thứ hai, nếu được hội đồng này tán thành, Thủ tướng sẽ đệ trình lên nội các, được thông qua nếu 2/3 chấp thuận. Cuối cùng là trình quốc hội.

Theo Phó tổng thống Iraq Tariq al-Hashimi, thỏa thuận khó được thông qua trước cuối năm nay, nhiều đảng phái sẽ không ký. Tại Quốc hội, dự kiến sẽ có nhiều chống đối. Những người ủng hộ giáo sĩ Muqtada al-Sard (luôn kêu gọi rút quân Mỹ khỏi Iraq ngay lập tức) chiếm 30/275 ghế của quốc hội, chống bất kỳ thỏa thuận nào cho phép quân Mỹ ở lại. Các nhóm chính trị người Shiite khác cũng chia rẽ về thỏa thuận, bao gồm cả đảng Dawa của ông Maliki.

Trong khi đó, quốc gia láng giềng Iran đặc biệt lo ngại và đã cảnh báo chính phủ Iraq bởi thỏa thuận cho phép Mỹ kiểm soát biên giới trên bộ, trên không, khiến Mỹ có thể sử dụng Iraq làm bàn đạp tấn công nước này.

Mỹ thừa nhận những tiến bộ đạt được ở Iraq là mong manh, tình hình có thể đảo ngược nếu họ rút đi. Chính quyền Iraq tuyên bố bạo lực đã giảm nhưng vẫn cần quân đội Mỹ giữ an ninh. Vấn đề cấp bách, bởi sau 31-12 này, theo luật quốc tế, luật Iraq và luật Mỹ, lực lượng Mỹ sẽ phải dừng mọi hoạt động. Quân đội Mỹ bị giới hạn trong các căn cứ của họ; họ sẽ không thể thực hiện tiếp tế đường không cũng như bất kỳ hoạt động chiến đấu nào khác.

Trước tình hình thỏa thuận cho tới lúc này vẫn chưa có kết quả, có tin hai bên đã nghĩ đến “phương án B” để quân Mỹ có thể ở lại sau hạn 31-12. Thứ nhất là gia hạn ủy quyền của LHQ cho lực lượng quốc tế tại Iraq. Như thế phải đưa ra Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu – một việc rất khó có kết quả bởi Nga và các nước khác đã phản đối cuộc chiến ở Iraq do Mỹ dẫn đầu.

Thứ hai là thỏa thuận kiểu hữu hảo ký giữa Thủ tướng al- Maliki và Tổng thống G.Bush, để lại những vướng mắc cho chính phủ mới của Mỹ thương thảo tiếp. Khả năng này cũng không chắc ông Maliki dám thực hiện khi trong nước còn nhiều ý kiến không tán thành.

Cả hai phía Mỹ, Iraq hiện không có lựa chọn khả thi nào trong vấn đề này. Thế nên, trường hợp dự thảo bị Quốc hội Iraq từ chối, cả hai phía Mỹ và Iraq vẫn phải yêu cầu LHQ gia hạn ủy quyền cho quân Mỹ sau 31-12. 

LỆ THƯ

Tin cùng chuyên mục