Cách làm này thể hiện sự quan tâm, đồng hành cùng DN trong lúc khó khăn. Lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cũng chỉ đạo trong nội bộ phải hạn chế thanh tra, kiểm tra, để DN yên tâm tập trung sản xuất kinh doanh, phục hồi sau dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, trong mùa dịch Covid-19 cũng có không ít DN rơi vào khủng hoảng, phải tạm ngừng hoạt động. Nhiều DN nhỏ không kinh doanh được, không có doanh số nên đã không tiến hành các thủ tục khai báo thuế. Theo Luật Quản lý thuế, việc không khai báo thuế thì cơ quan thuế có quyền kiểm tra và khóa mã số thuế. Lẽ ra khi DN muốn hoạt động trở lại thì phải được cơ quan thuế hỗ trợ, tạo thuận lợi về thủ tục để DN mở mã số thuế, tiến hành kinh doanh. Đằng này, rất nhiều DN than rằng, thủ tục mở mã số thuế nhiêu khê, buộc phải chứng minh nhiều loại hồ sơ, thủ tục, giấy tờ - còn khó hơn thành lập doanh nghiệp mới.
Một DN ở quận 5 cho biết: “Cán bộ thuế yêu cầu nộp các loại hồ sơ, lần nào cũng tưởng là hướng dẫn sau cùng, đã hoàn thành thì hôm sau lại phát sinh đòi hỏi mới. Cứ như vậy, 2 tháng DN vẫn chưa được hoạt động trở lại!”.
Một số DN ở quận 1 cũng than rằng việc mở lại mã số thuế (bị đóng mã số thuế do DN không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký - vì dịch) rất nhiêu khê, quá nhiều thủ tục; thời gian xử lý lại lâu, có khi mấy tuần mới phục hồi lại mã số thuế. Khi mã số thuế phục hồi thì DN bị cấm sử dụng hóa đơn điện tử có thời hạn, phải đến cơ quan thuế mua hóa đơn giấy… Nguyên nhân, các trang thông tin và các bộ phận khác nhau nên việc xử lý không đồng nhất, chậm trễ.
Chính phủ và các cấp chính quyền đã kêu gọi hỗ trợ DN; ngành thuế kêu gọi DN khai nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử… Hơn lúc nào hết, giữa khó khăn dịch bệnh thì cán bộ thuế các cấp phải đồng hành hơn nữa cùng DN, hỗ trợ thủ tục, giúp DN phục hồi, hơn là ngồi đếm số lượng DN thành lập mới. Có như vậy, các chủ trương về hỗ trợ, đồng hành cùng DN mới thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực.