Phục vụ dân tốt hơn nhờ chuyển đổi số

Hiện nay, tại TPHCM, hệ thống công nghệ thông tin tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) của các địa phương đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc tra cứu, khai thác thông tin khi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, TTHC cho công dân được dễ dàng, thuận lợi.

Thuận tiện, nhanh chóng

Có mặt tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (gọi tắt là bộ phận một cửa) quận 7, bà Võ Mai Hương (sinh năm 1975, ngụ quận 7) đưa cô ruột đến để nhận hồ sơ trích lục khai sinh từ năm 1948. Theo bà Hương, thủ tục khá đơn giản, chỉ cần nộp giấy khai sinh cũ và điền mẫu đơn nộp vào khu hành chính, nhận lịch hẹn trả hồ sơ trong 3 ngày. Thường xuyên đến UBND quận làm các thủ tục, bà Hương nhận thấy, thủ tục ngày càng đơn giản, đặc biệt nhiều thủ tục làm trực tuyến nên tiết kiệm thời gian, công sức.

Ông Hoàng Thế Cao (sinh năm 1979, ngụ phường 6, quận 6) đến UBND quận 6 thực hiện thủ tục liên quan đến giấy phép kinh doanh. Tại cây “ATM” tiếp nhận và trả hồ sơ tự động 24/7, ông được cán bộ quận hướng dẫn sử dụng máy để nhận kết quả hồ sơ. Sau vài phút, ông thực hiện thao tác điền xong thông tin và cây “ATM” trả hồ sơ ra mà ông không cần tương tác trực tiếp với cán bộ phụ trách bộ phận trả kết quả. “Đây là lần đầu tiên tôi nhận hồ sơ tại cây “ATM” thế này. Sự cải tiến này đã giúp tiết kiệm thời gian cho người dân và cho chính quyền”, ông Cao đánh giá. Hiện tại, Phòng Tài chính - Kế hoạch (UBND quận 6) tiếp nhận và giải quyết các thủ tục, hồ sơ liên quan đến đăng ký thành lập hộ kinh doanh, chấm dứt hoạt động kinh doanh, thay đổi nội dung đăng ký… Mọi thủ tục đều được thực hiện trực tuyến và người dân dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ. Nếu không thông thạo về công nghệ, người dân sẽ được cán bộ của phòng hướng dẫn.

e3a-464-6530.jpg
Ông Hoàng Thế Cao được hướng dẫn sử dụng cây “ATM” nhận và trả kết quả hồ sơ tự động 24/7 tại UBND quận 6, TPHCM. Ảnh: THU HOÀI

Là cộng tác viên hướng dẫn người dân làm các thủ tục trực tuyến, chị Trần Bảo Ý cho biết: “Mỗi ngày chị hỗ trợ khoảng 10 người dân thực hiện các TTHC trên máy tính và nộp, nhận hồ sơ tại cây “ATM”. Hệ thống tự động hoạt động 24/7, rất phù hợp cho người bận rộn với công việc”. Lãnh đạo UBND quận 6 thông tin, thời gian tới, quận tiếp tục thực hiện đảm bảo về đơn giản hóa, giảm thời gian giải quyết các TTHC, tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ qua Hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động 24/7. Ngoài ra, quận tiếp tục cập nhật hệ thống, quy trình thanh toán lệ phí trực tuyến nhằm giảm thiểu thời gian cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện TTHC.

Đẩy mạnh hoạt động trên môi trường số

Là địa bàn có dân số đông, năm 2023, quận Bình Tân đã tiếp nhận và giải quyết hơn 23.860 hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến. Để giải quyết nhanh, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, quận chủ động triển khai hiệu quả 27 mô hình về chuyển đổi số; triển khai cấp chữ ký số công cộng cho người dân ở quận. Đến nay, quận đã cấp chữ ký số cho 27 đơn vị và 567 cán bộ công chức, viên chức thuộc quận, 5.570 chữ ký điện tử cá nhân cho công dân từ 15 tuổi trở lên. Quận Phú Nhuận cũng cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho hơn 5.000 chữ ký số công cộng. Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính là giải pháp góp phần tiết kiệm rất nhiều về thời gian, công sức, chi phí chứng thực, đem đến sự thuận tiện, hài lòng cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC.

Lãnh đạo UBND quận Phú Nhuận cho biết, UBND quận và 13 phường đã chủ động trang bị máy scan để tạo bản sao điện tử, trang bị hạ tầng mạng internet, đăng ký chữ ký số, con dấu số của cơ quan, địa phương trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng thông tin, hiện nay Thanh tra TP Thủ Đức phối hợp UBND 34 phường đưa chuyển đổi số vào quy trình quản lý, thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong trật tự đô thị, trật tự xây dựng. Việc này nhằm giúp lãnh đạo các phường, TP Thủ Đức và người dân cùng theo dõi, giám sát công tác xử lý vi phạm trên địa bàn.

Nhằm tạo thói quen, cũng như chuyển dần từ làm thay người dân sang hướng dẫn người dân tự thực hiện các thủ tục trực tuyến trên nền tảng số, Chủ tịch UBND quận 10 Nguyễn Thị Thu Hường cho biết, tại bộ phận một cửa của quận 10 và 14 phường có bố trí máy vi tính thực hiện dịch vụ công trực tuyến để công chức hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến khi có nhu cầu.

Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng cho biết, đến nay 100% cơ quan nhà nước ở TPHCM đã triển khai thư điện tử công vụ; hệ thống quản lý văn bản, tài liệu điện tử; hệ thống tổng hợp thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành trên nền tảng số. Ngoài ra, TPHCM đã hoàn thành, đưa vào vận hành nền tảng hệ thống thông tin giải quyết TTHC tập trung và Cổng Dịch vụ công Thành phố; tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ giải quyết TTHC trên môi trường số, trong đó 280 dịch vụ công trực tuyến một phần và 460 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Năm 2024, Sở TT-TT TPHCM rà soát, cập nhật các quy định, quy chế vận hành chuyển từ “giấy” qua “số”.

Tin cùng chuyên mục