Đầu tư chỉn chu
Dự án phim Quỳnh Hoa Nhất Dạ dù đến đầu năm 2021 mới bấm máy, nhưng đại diện nhà sản xuất vừa tiết lộ thông tin thú vị về phục trang. Bộ phụng bào cho diễn viên Thanh Hằng cần tới 6 tháng để hoàn thành, với hơn 1.000 giờ may vá, thêu dệt… Nhà thiết kế (NTK) Thủy Nguyễn, Giám đốc sáng tạo dự án, chia sẻ, trang phục nặng tới 9,5kg, gồm 5 lớp áo giao lĩnh lớn, nhỏ từ trong ra ngoài (còn gọi là trường lĩnh); 2 lớp váy; tà áo kéo từ trái qua phải với hàng nút sao gắn tỉ mỉ giữa ngực.
Trong số các NTK, Thủy Nguyễn là gương mặt được nhiều nhà sản xuất lựa chọn. Hiện chị cũng được đạo diễn Mai Thu Huyền mời đồng hành cùng dự án Kiều. Trước đó, chị cũng là người đứng sau thành công của các bộ phim: Cô Ba Sài Gòn, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Mẹ chồng, Sài Gòn anh yêu em…
Ngày nay, phục trang được các ê kíp ngày càng chú trọng đầu tư. Một trong những bộ phim đã tạo nên thương hiệu phải kể đến Gái già lắm chiêu. Đang bấm máy phần tiếp theo tại Huế, đạo diễn Namcito hé lộ, chỉ riêng số trang phục cho 3 nhân vật chính là NSND Lê Khanh, NSND Hồng Vân và Kaity Nguyễn đã lên tới hơn 150 bộ trang phục. Đi kèm đó là phụ kiện giày dép, túi xách hàng hiệu đắt đỏ… Đó là chưa kể đến trang phục cho các diễn viên phụ, chiếm số lượng gấp ba lần so với các phần trước đây.
Trước đó, trong Gái già lắm chiêu, 2 nhân vật nữ chính của Ninh Dương Lan Ngọc diện đến 50 bộ trang phục khác nhau được thiết kế theo từng phân đoạn, tâm lý khác nhau. Khi thực hiện Cô Ba Sài Gòn, số lượng phục trang mà ê kíp chuẩn bị lên đến 300 bộ, gồm cả áo dài và phục trang thường ngày.
Nhiều thách thức
Dù mới ở giai đoạn chuẩn bị nhưng ngay sau khi hé lộ những hình ảnh đầu tiên, trang phục trong Quỳnh Hoa Nhất Dạ đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Theo NKT Thủy Nguyễn, cô gặp khá nhiều áp lực khi phải thiết kế trang phục cho một nhân vật lịch sử. Bộ phượng bào được lên ý tưởng dựa trên nghiên cứu qua nhiều tư liệu lịch sử kết hợp với yêu cầu của đạo diễn về nhân vật, thêm vào đó một chút sáng tạo của bản thân.
Để có những hình ảnh lung linh trên màn ảnh là kết quả làm việc nghiêm túc của các ê kíp. NTK Lê Thanh Hòa từng đến Huế khảo sát bối cảnh để có cảm hứng cho các trang phục trong Gái già lắm chiêu 3. NTK Thủy Nguyễn cũng từng ghé thăm nhiều đền thờ Thái hậu Dương Vân Nga trước khi chọn họa tiết chủ đạo cho trang phục.
“Thiết kế thời trang cho phim ảnh có nhiều khác biệt và khó khăn rất đặc thù. Việc xác định phong cách, chất liệu, màu sắc phải được bàn bạc rất kỹ với đạo diễn và ê kíp làm phim phù hợp với tính cách, hình tượng nhân vật mình xây dựng. Mỗi bối cảnh, phân đoạn sẽ liên quan đến trực tiếp bộ đồ cho diễn viên từ kiểu dáng, màu sắc, chất liệu…” - NTK Lê Thanh Hòa chia sẻ. Còn theo đạo diễn Mai Thu Huyền, trước ngày bấm máy Kiều, ê kíp có gần nửa năm chuẩn bị, bắt đầu từ tìm hiểu tài liệu về cổ phục; bàn bạc ý tưởng; chọn tông màu và chất liệu cho từng nhân vật.
Khi thị hiếu của khán giả ngày càng cao, yêu cầu về phục trang cho mỗi dự án theo đó cũng phải được nâng tầm. Theo đạo diễn Namcito: “Thời trang trong phim bên cạnh làm đẹp cho diễn viên còn mang trọng trách chuyển tải cá tính nhân vật, tâm lý nhân vật cũng như mang thông điệp và ý đồ của cảnh quay”.
Quá trình làm việc, NTK Lê Thanh Hòa đặt ra 3 tiêu chí quan trọng: trang phục phải giúp cho việc xây dựng thành công hình tượng nhân vật; kiểu dáng, màu sắc, chất liệu phù hợp với bối cảnh, cảm xúc của nhân vật trong từng phân đoạn và phải đủ ấn tượng, đủ đẹp, phù hợp để tạo dấu ấn với khán giả. Còn NTK Thủy Nguyễn đặt ra cho mình tiêu chí xuyên suốt: “Thủy luôn mong muốn trang phục của mình không chỉ góp phần kể câu chuyện của nhân vật mà còn thể hiện được nét văn hóa Việt Nam trong đó”.
Trên thực tế, với khoảng 40-50 phim ra rạp mỗi năm, do hạn chế về kinh phí hiện chỉ có số ít phim dám “chi bạo” cho khâu phục trang. Bên cạnh đó, các giải thưởng hiện nay của điện ảnh Việt cũng chưa có hạng mục tôn vinh xứng đáng cho khâu phục trang.