Trước khi đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM phát biểu đối đáp quan điểm bào chữa, các luật sư của bị cáo Trương Mỹ Lan đã đề nghị bổ sung nội dung làm rõ các số liệu trong vụ án và được HĐXX chấp thuận.
Đề nghị xem xét lại giá trị tài sản bảo đảm
Luật sư Phan Trung Hoài đã trình bày số liệu về nhiều khoản vay cụ thể tại SCB, qua đó kết luận, bản chất của các khoản dư nợ cho đến năm 2022 cho thấy thực chất là “cho vay mới để trả nợ cũ” (còn gọi là đảo nợ). Hầu hết khoản vay thuộc các dự án dở dang, phát sinh (trước thời điểm hợp nhất SCB từ 3 ngân hàng yếu kém), nhằm thực hiện các dự án bất động sản đã được SCB cơ cấu nợ 2-3 lần.
Hầu hết các khoản cho vay xử lý lãi dự thu đều phát sinh từ dư nợ gốc trước thời điểm hợp nhất 3 ngân hàng. Việc đảo nợ được lặp đi lặp lại trong suốt quá trình xử lý nợ xấu tại SCB, nhất là các khoản vay nằm trong Đề án tái cơ cấu.
Theo xác nhận của chính SCB, dư nợ gốc và lãi phát sinh sau thời điểm 1-1-2018 (được dùng để xác định bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô tài sản), thực chất là sự tiếp nối các khoản dư nợ kế thừa từ năm 2017 chuyển sang trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu. Như vậy, dòng tiền không ra khỏi ngân hàng để bà Trương Mỹ Lan có thể chiếm đoạt.
Về việc thẩm định giá tài sản bảo đảm, luật sư Phan Trung Hoài dẫn chứng Báo cáo kiểm toán độc lập của Công ty KPMG lập ngày 31-5-2023, có nêu: “Chế độ kiểm toán Việt Nam áp dụng cho tổ chức tín dụng do NHNN ban hành và quy định pháp lý chưa có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về phương pháp định giá tài sản đảm bảo. Phương pháp định giá được sử dụng cho mục đích đáp ứng yêu cầu này được Công ty Hoàng Quân lựa chọn”.
Như vậy, đây là lựa chọn của Công ty Hoàng Quân và chưa hề được bất kỳ cơ quan quản lý Nhà nước nào thực hiện việc thẩm định lại, nếu không nói là chưa được trưng cầu và chưa thành lập Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự hoặc xác định tính hợp lý, hợp pháp theo quy định của Bộ luật TTHS 2015.
Bên cạnh đó, theo các chứng thư định giá của Công ty KPMG định giá độc lập phát hành từ tháng 2 đến tháng 5-2023 và giá trị sổ sách của SCB, tổng giá trị các tài sản đảm bảo chưa đáp ứng quy định của Thông tư 11 nêu trên lên tới 645.099 tỷ đồng. Vì vậy, luật sư cho rằng nếu các tài sản được cập nhật giá trị đầy đủ thì mới thật sự là áp dụng nguyên tắc có lợi cho bà Trương Mỹ Lan.
"Chúng tôi trân trọng kính đề nghị HĐXX, đại diện Viện kiểm sát cấp phúc thẩm trong phần đối đáp, xin xem xét thấu tình, đạt lý, chứa đựng chính sách nhân đạo và khoan hồng của Đảng và Nhà nước để quyết định giảm mức án tử hình mà bản án sơ thẩm đã tuyên về tội "Tham ô tài sản" với bà Trương Mỹ Lan", Luật sư Phan Trung Hoài đề nghị.
Cơ hội của bị cáo Trương Mỹ Lan nằm ở quá trình thi hành án
Về quan điểm của luật sư cho rằng xuyên suốt từ 1-1-2012 cho đến khi khởi tố vụ án, hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan là tương tự nhau, cùng phương thức phạm tội nhưng cơ quan tố tụng lại khởi tố, truy tố bị cáo Trương Mỹ Lan về 2 tội danh khác nhau là bất lợi cho bị cáo Trương Mỹ Lan.
Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát phản bác rằng, xét về bản chất, hành vi của Trương Mỹ Lan xuyên suốt khoảng thời gian trên đều là hành vi chiếm đoạt tiền của SCB thông qua chuỗi hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng. Thời điểm trước 1-1-2018 pháp luật chưa quy định tội danh tham ô tài sản với tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước nên mới truy tố bị cáo về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.
Sau ngày 1-1-2018, hành vi chiếm đoạt của Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm cấu thành tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015. Do đó, Viện kiểm sát truy tố bị cáo về 2 tội danh nêu trên là đúng căn cứ pháp luật. Nếu gộp lại thành 1 tội danh thì số tiền tham ô tài sản sẽ tăng lên, mới là gây bất lợi cho bị cáo.
Về quan điểm việc tạo lập các khoản vay mới chỉ là để đảo nợ, dòng tiền không ra khỏi ngân hàng nên nói bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt là không đúng. Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát phản bác rằng hành vi đảo nợ thực chất là hoàn tất hồ sơ để rút tiền ra khỏi SCB. Hành vi phạm tội của bị cáo đã cấu thành từ lúc tiền ra khỏi sự kiểm soát của SCB. Căn cứ theo quy định tại Điều 40 BLHS 2015, tới thời điểm xét xử bị cáo phải khắc phục được ít nhất ba phần tư số tiền tham ô 304.000 tỷ, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng… thì Viện kiểm sát mới có cơ sở đề nghị ân giảm án tử hình.
Việc được ân giảm án hay không phụ thuộc vào bị cáo Trương Mỹ Lan trong quá trình thi hành án. Bị cáo phải phối hợp với cơ quan thi hành án làm sao bán được tài sản nhanh nhất, hiệu quả nhất để khắc phục hậu quả vụ án thì cấp có thẩm quyền mới có cơ sở ân giảm.
Đối với 658 mã tài sản đang bị kê biên không bảo đảm cho bất kỳ nghĩa vụ nào và bị cáo Trương Mỹ Lan tự nguyện đưa vào để khắc phục hậu quả, tại phiên tòa Viện kiểm sát không có cơ sở đánh giá giá trị các tài sản này. Giá trị của các tài sản này chỉ có thể xác định trong quá trình thi hành án.
Từ những phân tích trên, Viện KSND cấp cao tại TPHCM giữ nguyên quan điểm đề nghị HĐXX y án đối với 2 tội danh “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và giảm án đối với tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", buộc bị cáo phải chấp nhận hình phạt chung là tử hình.