Chưa trở lại mức trước dịch
Theo báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ duy trì trên mức trước dịch Covid-19 cho đến ít nhất là năm 2023. Báo cáo cũng cho thấy tác động tổng thể đối với việc làm có thể cao hơn đáng kể do nhiều người đã rời bỏ lực lượng lao động trong thời kỳ đại dịch. ILO dự báo số người thất nghiệp toàn cầu năm 2022 ước tính là 207 triệu người, so với 186 triệu vào năm 2019.
Bên cạnh đó, ILO cảnh báo về sự khác biệt rõ rệt về tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 với các nhóm người lao động và quốc gia. Những khác biệt này đang làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng giữa các nước và làm suy yếu cấu trúc kinh tế, tài chính và xã hội của hầu hết mọi quốc gia, bất kể tình trạng phát triển. Thiệt hại này có thể cần nhiều năm để phục hồi. Nhưng những hậu quả có thể kéo dài ảnh hưởng đến thu nhập hộ gia đình và sự gắn kết xã hội.
Ông Guy Ryder, Tổng giám đốc ILO, nói: “Không thể có sự phục hồi thực sự từ đại dịch này nếu không có sự phục hồi của thị trường lao động trên diện rộng. Và để bền vững, sự phục hồi này phải dựa trên các nguyên tắc làm việc tử tế - bao gồm sức khỏe và an toàn, công bằng, bảo trợ xã hội và đối thoại xã hội”. Các tác động này ảnh hưởng trên thị trường lao động ở tất cả các khu vực trên thế giới.
Theo ILO, châu Âu và Bắc Mỹ đang có những dấu hiệu phục hồi về thị trường lao động đáng mừng nhất, trong khi Đông Nam Á, Mỹ Latinh và Caribe có triển vọng thấp hơn. Ở cấp độ quốc gia, sự phục hồi của thị trường lao động diễn ra mạnh mẽ nhất ở các nước thu nhập cao, trong khi các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp hơn đang có xu hướng kém hơn.
Khuyến nghị
ILO khuyến nghị các chính sách chính nhằm tạo ra sự phục hồi toàn diện thị trường việc làm. Các hoạt động này dựa trên lời kêu gọi hành động toàn cầu vì con người, lấy con người làm trung tâm sau khủng hoảng Covid-19 đã được 187 thành viên ILO thông qua.
Một điều đáng chú ý nữa khi qua giai đoạn đại dịch là giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc. Để giải quyết vấn đề này, các tiêu chuẩn mới của ILO đã được phát triển để giúp người sử dụng lao động tạo ra môi trường thích hợp cho sự an toàn về thể chất và tinh thần, bất kể công việc đang được thực hiện tại chỗ hay trực tuyến tại nhà. Với khẩu hiệu “Hãy cùng hành động”, ILO đã dẫn đầu trong việc hợp tác với chuyên gia trên toàn cầu để công nhận, phát triển và thực hiện các tiêu chuẩn nhằm tăng cường và duy trì an toàn tại nơi làm việc.
ISO 45003 - một tiêu chuẩn toàn cầu đưa ra hướng dẫn thực tế về quản lý sức khỏe tâm lý tại nơi làm việc là phần bổ sung mới nhất cho loạt tiêu chuẩn của ISO về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Mục đích chính của nó là xác định các mối nguy tâm lý xã hội và phát triển một khuôn khổ quản lý những thách thức lớn đối với sức khỏe, sự an toàn và hạnh phúc tại nơi làm việc.
Mối nguy tâm lý xã hội là các yếu tố trong thiết kế hoặc quản lý công việc làm tăng nguy cơ căng thẳng liên quan đến công việc, có thể dẫn đến tổn hại về tâm lý hoặc thể chất của người lao động. Các mối nguy có thể bao gồm tổ chức công việc, các yếu tố xã hội như thời gian làm việc quá nhiều, khả năng lãnh đạo kém hoặc bị bắt nạt, cũng như khía cạnh vật chất của môi trường làm việc, thiết bị và tiếp xúc với các công việc nguy hiểm. Nó có thể hiện diện trong tất cả tổ chức và các lĩnh vực.