LTS: Hôm nay, theo chương trình công tác, UBND TPHCM tổ chức cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm quý 2-2022. Bên cạnh việc khống chế đại dịch thành công, mặc dù chịu nhiều tác động về địa chính trị thế giới, giá xăng dầu tăng mạnh nhưng kinh tế thành phố đang hồi phục và tăng tốc ấn tượng, tiếp tục giữ vững vị trí ngọn cờ đầu của cả nước. Cùng với đó, nhiều công trình văn hóa - xã hội được khánh thành, gắn kết người dân với không gian chung của đô thị như một cách nhận diện thương hiệu cho thành phố, mở ra những không gian và động lực mới để TPHCM tiếp tục phát triển.
Tính đến hết quý 1-2022, sản xuất công nghiệp TPHCM khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 5,5%. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 11,9 tỷ USD, tăng 3,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 10.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, tăng trưởng kinh tế TPHCM đang phục hồi mạnh mẽ.
Nỗ lực vươn lên
Thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho thấy, hầu hết doanh nghiệp (DN) thành viên đã đầy ắp đơn đặt hàng từ nay đến cuối năm. Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, chia sẻ, năm nay, công ty vẫn đặt mục tiêu, doanh thu 64.070 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế cả năm dự kiến đạt mức 12.000 tỷ đồng. Cơ sở cho mục tiêu này, mặc dù năm 2021, nền kinh tế rất khó khăn bởi dịch bệnh, nhưng tổng doanh thu hợp nhất của DN vẫn vượt mốc 60.000 tỷ đồng, nguồn thu đến từ 3 mảng nội địa, xuất khẩu và chi nhánh nước ngoài. Với bối cảnh hiện tại, thị trường nội địa tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với mức tăng trưởng hai chữ số. Điều này đã tạo cơ sở chắc chắn cho tính khả thi của mục tiêu trong năm nay.
Ở góc độ xuất khẩu, ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, chia sẻ, từ cuối năm 2021 đến nay, đơn hàng cho xuất khẩu của năm 2022 đã “phủ kín” công suất sản xuất. Hiện DN đang tập trung sản xuất đơn hàng xuất khẩu cho đối tác Hoa Kỳ. Đặc biệt, những đơn đặt hàng xuất khẩu, nhất là từ khu vực Trung Quốc đang dịch chuyển mạnh qua Việt Nam, do vậy DN đang lên kế hoạch mở rộng sản xuất để tranh thủ đón cơ hội mới.
Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, đơn hàng xuất khẩu của ngành gỗ đã kín cho đến quý 3, thậm chí nhiều DN đã đủ sản xuất cho cả năm 2022. Trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt 3,94 tỷ USD. Hiện nhu cầu nội thất thế giới vẫn trên đà tăng, chính là cơ hội lớn cho ngành gỗ tăng trưởng mạnh.
Những tín hiệu tích cực từ thị trường trong nước và xuất khẩu đã góp phần đưa GRDP quý 1-2022 của TPHCM phục hồi khoảng 98% so với cùng kỳ năm 2021 (quý 1-2021 tăng trưởng 5,46%). Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục có mức tăng trưởng dương. Hàng loạt hoạt động kinh tế khác đều có kết quả khả quan, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 4,8%; doanh thu vận tải hàng hóa, hành khách, bốc xếp và dịch vụ đại lý vận tải cũng tăng 8,2% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải chiếm 65,4%, tăng 10,8%.
Bơm vốn, tháo gỡ cơ chế
Để duy trì sức nóng tăng trưởng kinh tế quý 1 cho những quý tiếp theo, tổng hợp từ ý kiến nhiều DN, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, bày tỏ mong muốn, các cơ quan chức năng tạo điều kiện để các gói hỗ trợ tài chính sớm đến tay DN sản xuất. Trong đó cần tính đến chính sách hỗ trợ phù hợp cho DN nhỏ và vừa, tạo nền tảng để kết nối với các doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối hoặc các hệ thống phân phối lớn.
Đối với thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng cần có sự phối hợp giữa các bộ đưa nội dung tháo gỡ rào cản thị trường vào các phiên họp của các ủy ban liên chính phủ. Trong đó, phải chủ động nêu vấn đề về hàng rào kỹ thuật cũng như giải pháp tháo gỡ rào cản thị trường vào các phiên họp của các ủy ban liên chính phủ tại các diễn đàn thương mại, quốc tế mà Việt Nam tham gia. Ngoài ra, phải đẩy mạnh việc tham gia và thực hiện các thủ tục về thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, như tăng cường ký kết các thỏa thuận hợp tác hoặc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam và các nước đối tác có FTA, giảm bớt các thủ tục hải quan.
Về góc độ hỗ trợ vốn cho DN, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM, cho rằng, thành phố cần xây dựng và triển khai gói hỗ trợ nguồn vốn vay ngắn hạn, giảm thêm lãi suất vay của các ngân hàng; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất cho DN.
Riêng với quỹ hỗ trợ vốn đầu tư thuộc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước, cần linh hoạt chuyển dòng vốn cho DN vay đầu tư cố định, mở rộng sản xuất sang lưu động. Bởi DN hiện ít có nhu cầu vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất nhưng lại đang rất “khát vốn” lưu động để tăng tỷ lệ dự trữ nguyên liệu sản xuất, nhằm giảm thiểu tác động từ việc tăng giá nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường thế giới. Tuy nhiên, theo quy định thì quỹ chỉ có thể cho vay vốn để đầu tư cố định, đây là nguyên nhân khiến nguồn quỹ hỗ trợ vốn cho DN của thành phố thì dư nhưng DN lại “khát vốn”.
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, cho rằng, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ vốn giúp DN khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai; giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trước mắt, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
Xây dựng các giải pháp nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông cảng biển và hậu cần logistics giúp thông quan hàng hóa nhanh chóng và hiệu suất hơn. Tiếp tục kiểm soát lạm phát trên địa bàn thông qua các chương trình bình ổn giá; kiến nghị các bộ, ngành cần có những giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu, sắt thép dài hạn, ổn định cho nền kinh tế.
điểm sáng từ ngành giao thông Trong quý 1-2022, những dự án phát triển giao thông đô thị như xe đạp công cộng, xe buýt điện, buýt đường sông Sài Gòn đi vào vận hành được người dân đón nhận tích cực. Trước ngày 30-4, hàng loạt công trình chuẩn bị khánh thành và đưa vào sử dụng như cầu Thủ Thiêm 2, đường song hành Võ Văn Kiệt, cải tạo kênh Nước Đen. Ngoài ra, những dự án lớn, mang tính quyết định cho phát triển TPHCM đang được tăng tốc và thúc đẩy ở nhiều mức khác nhau như: đường Vành đai 3, khép kín Vành đai 2, Metro số 1, Metro số 2 và đường cao tốc Mộc Bài - TPHCM. |