“Trên bến dưới thuyền” trong hình thái mới
Hơn 16 giờ, tại công viên Bến Bạch Đằng, ê kíp chụp ảnh cưới vội vàng bắt lại những khoảnh khắc đẹp cho cô dâu, chú rể. “Mặc dù công viên mới đi vào hoạt động nhưng khi tư vấn địa điểm chụp hình cưới trong thành phố, nhiều cô dâu, chú rể thích nơi này. Mình không di chuyển xa, tiết kiệm chi phí mà cảnh quan ở đây lên hình rất hiện đại”, anh thợ chụp hình Đào Tuấn Huy, ngụ quận Bình Thạnh, chia sẻ.
Chụp khá nhiều hình từ bờ sông Sài Gòn phía TP Thủ Đức nhìn về quận 1 và bây giờ, ghi lại khoảnh khắc sáng sớm và buổi chiều từ phía quận 1 nhìn sang bên kia sông, anh Nguyễn Phước Vương (27 tuổi, nhân viên y tế) cho biết: “Sau giờ làm, tôi thích lang thang chụp ảnh. Cảnh trong thành phố mình, chịu khó đi sẽ có những góc nhỏ thú vị. Không cần đợi đến chợ hoa tết ở Bến Bình Đông, quận 8, ở đây cũng trên bến là công viên, dưới thuyền là tuyến buýt đường sông, đi buổi chiều ngắm hoàng hôn sông Sài Gòn cũng rất hay”.
Đúng như nhiều chuyên gia nhìn nhận, đô thị TPHCM khởi nguồn từ sông nước, nên cụm từ “trên bến dưới thuyền” không chỉ nhắc về chợ hoa Bến Bình Đông (quận 8). Theo đặc thù địa lý, các con sông, rạch… uốn mình mềm mại theo tiến trình phát triển của đô thị. “Di sản đô thị sông nước” với cụm từ “trên bến dưới thuyền” ngày càng thu hút sự quan tâm của người trẻ từ những không gian, cảnh quan ven sông… Không gian như thế kết nối người dân và cảnh quan thành phố nhiều hơn. “Tôi nghĩ việc có công viên cạnh sông sẽ làm giảm ô nhiễm nguồn nước, thúc đẩy người dân ý thức bảo vệ cảnh quan ven sông để giữ lấy một điểm dạo chơi, một nơi check-in khá là xịn sò không thua gì nước ngoài”, Phước Vương chia sẻ thêm.
Anh Phan Bá Lộc (26 tuổi, làm việc trong lĩnh vực truyền thông) bày tỏ: “Tôi nghĩ, tiêu chí công viên hiện nay nên thoáng mát, sạch sẽ. Để ra chất một công viên hiện đại, phát triển, chúng ta nên bổ sung những dịch vụ và trải nghiệm hiện đại khác, như nơi để giải trí, check-in chụp ảnh, các biểu tượng thành phố và cả quy hoạch chỗ gửi xe”.
Nâng tầm và chắp cánh
Theo nhịp đập của thành phố trẻ, các hoạt động văn hóa cũng sôi nổi và đặc trưng. Trong những năm gần đây, khi thẩm mỹ cộng đồng nâng cao, đã đặt ra nhiều câu hỏi cho không gian để chắp cánh và tương tác nghệ thuật ở thành phố.
3 tháng qua, sự trở lại của các hoạt động văn hóa, xã hội sau thời gian chống dịch Covid-19 ở TPHCM, những sự kiện tương tác giữa người dân với không gian công cộng trong thành phố ngày càng nhiều. Chương trình “Nghệ thuật đường phố” diễn ra tại 257 Hoàng Văn Thụ, phường 2, quận Tân Bình, cùng dịp cả nước đón du khách quốc tế trở lại, đã thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.
Những nỗ lực trên đã mở ra bờ biên mới cho sự sáng tạo trong nghệ thuật đường phố, công cộng. Sự trình diễn đó cần tất cả cộng đồng cùng tham dự, nghệ sĩ vẽ nên tranh, truyền thông lan tỏa và cộng đồng dân cư chấp nhận hóa mình vào khuôn diện mới của nơi họ sống. Sự xuất hiện của các không gian công cộng luôn là tấm gương phản ánh đời sống tinh thần, tạo thương hiệu riêng giàu bản sắc cho thành phố.
PGS-TS NGUYỄN NGỌC THƠ, Trưởng khoa Văn hóa học Đại học KHXH-NV TPHCM
|