Lối viết tạp bút sở trường của nhà văn Lê Văn Nghĩa là nhân sự kiện đang diễn ra mà khơi gợi lại những điều chìm khuất trong quá khứ. Ví dụ, khi có hầm vượt sông Sài Gòn thì Nhớ lại một con phà để kể chuyện đi lại của người dân Thủ Thiêm trước đây.... Vốn quen nghề báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa có phương pháp sưu tầm tài liệu khá chỉn chu và lớp lang. Cho nên, từ tài liệu riêng, ông triển khai thành đề tài hấp dẫn như Phở trong văn chương và báo chí Sài Gòn, Quảng cáo - rao vặt trên báo Sài Gòn xưa, Giai phẩm xuân học trò hoặc Tuần báo Nhân Loại trong dòng văn học Sài Gòn, Thuở ban đầu của nhạc nước ngoài lời Việt. Mặt khác, nhà văn Lê Văn Nghĩa biết đối chiếu các nguồn tài liệu, để tài liệu báo chí và tài liệu văn học được tương tác và tôn vinh nhau.
Tuy nhiên, vẫn phải nhấn mạnh lần nữa, tạp bút của nhà văn Lê Văn Nghĩa chỉ thực sự phô diễn hết bản sắc khi giá trị tài liệu được kết hợp với giá trị nhân chứng. Tạp bút nào chỉ đơn thuần giá trị tài liệu thì khô khan (như Về một bài thơ gây chấn động), còn tạp bút nào chỉ đơn thuần giá trị nhân chứng thì lãng đãng (như Cơn mưa trong đời). Khép cuốn Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ, độc giả chắc chắn vẫn bâng khuâng về vẻ đẹp năng động và hào hiệp của TPHCM khi cùng nhà văn Lê Văn Nghĩa hoài niệm Hương gây mùi tết hoặc Bữa cơm bình dân.