Tham dự sự kiện, về phía Trung ương có các đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Về phía TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM; cùng lãnh đạo các nước bạn, các tỉnh thành, sở ngành, doanh nghiệp...
25 quốc gia, vùng lãnh thổ quảng bá Việt Nam
Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Phan Văn Mãi nhìn nhận, du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng, có tầm ảnh hưởng toàn cầu, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo tính toán của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, năm 2019 trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch và lữ hành đóng góp 10,4% GDP và tạo ra hơn 330 triệu việc làm trên toàn cầu. Tổ chức này cũng dự báo năm 2022 sẽ là cột mốc quan trọng đánh dấu sự hồi sinh mạnh mẽ nếu dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát có hiệu quả, ngành du lịch có thể sẽ tạo ra hơn 58 triệu việc làm trong năm 2022 và đóng góp 8,6 nghìn tỷ USD, góp phần thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trên toàn thế giới.
Trong giai đoạn tăng tốc để phục hồi, Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM được tổ chức là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, cũng như tăng trưởng dòng khách lưu chuyển giữa các nước.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Hội chợ là dịp để các địa phương, doanh nghiệp kinh doanh du lịch cả nước có cơ hội giới thiệu, quảng bá hình ảnh, các giá trị văn hoá, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc tới du khách. Bên cạnh đó, hội chợ tăng tính liên kết giữa các đơn vị để tạo sản phẩm trong bối cảnh bình thường mới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Giàu tiềm năng thu hút khách quốc tế
Ông Alexander Rayner, Giám đốc quan hệ Chính phủ và các điểm đến Amadeus cho rằng, Việt Nam giàu tiềm năng thu hút khách quốc tế, đặc biệt là khách MICE (du lịch kết hợp hội thảo). Xu hướng sau dịch Covid-19, người dân đi chơi nhiều hơn, thường đi cùng nhóm bạn, du khách quan tâm nhiều hơn đến du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp công tác, đồng thời khách cũng nghiên cứu kỹ hơn về điểm đến… Ứớc tính, năm 2019 có khoảng 5,9 tỷ lượt tìm kiếm về Việt Nam gồm đặt phòng, tìm nơi nghỉ dưỡng tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Phú Quốc…. Nhưng đến năm 2022, dữ liệu nghiên cứu cho thấy, lượng tìm kiếm về Việt Nam chỉ còn 23% so với năm 2019.
Ông Alexander Rayner khuyến nghị, Việt Nam cần có chiến lược liên kết dữ liệu, xem khách hàng tìm kiếm thông tin gì về Việt Nam, tìm hiểu xong có quyết định đi du lịch không… AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ giúp điều hướng hành vi người dùng với những gợi ý chính xác khiến họ không thể chối từ. Điều này giải thích tại sao Dubai lấp đầy 100% lượng khách về du lịch, vì họ áp dụng AI nhuần nhuyễn, hiệu quả.
“Nếu bạn muốn quản lý được thì phải quản trị thành công liên kết dữ liệu. Chúng tôi thu thập dữ liệu chủ yếu dựa trên sim card của mọi người. Việt Nam là địa điểm có đủ năng lực trở thành điểm thu hút khách MICE hàng đầu thế giới, với đủ đội ngũ tiềm năng. Thế nhưng cái khó là làm sao để sử dụng vốn quý bạn đang có để tổng hòa thành năng lực chung. Sáng kiến, sáng tạo chính là nền tảng để phát triển cho mỗi quốc gia và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các bạn”, ông Alexander Rayner nói.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist group nhận định, nếu chưa phục hồi du lịch quốc tế thì chưa thể phục hồi du lịch Việt Nam. Chưa phục hồi du lịch thì chưa thể phục hồi hoàn toàn kinh tế Việt Nam sau đại dịch. Do đó, trong thời gian còn lại của năm 2022 và năm 2023, ngành du lịch nước ta cần có kế hoạch tập trung đẩy mạnh các chương trình, sự kiện xúc tiến, quảng bá sản phẩm, thương hiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường quốc tế có tiềm năng. Chẳng hạn như mở rộng khai thác các thị trường Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông, Australia, ASEAN…, với những chương trình, khảo sát nghiên cứu thị trường cụ thể. Việc nghiên cứu này căn cứ theo nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường, khách hàng…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Triển khai các gói hỗ trợ, phát triển du lịch bền vững Đây là sự kiện du lịch quốc tế lớn đầu tiên sau dịch. Đại dịch ập đến, ngành du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại trực tiếp và lớn nhất (khoảng 2.000 tỷ USD trên toàn thế giới), mất 62 triệu việc làm. Hiện tại, ngành du lịch nước ta nói riêng, thế giới nói chung đã từng bước khởi sắc và dự tính cuối năm 2023 sẽ có thể đạt mức tăng trưởng như trước năm 2019. Mặc dù đại dịch chưa hết nhưng ngành du lịch đã tự tin hơn, với nhiều giải pháp mở rộng, phát triển trong bối cảnh mới. Nhân đây, tôi cũng đề nghị các địa phương cần có gói hỗ trợ cần thiết cho những lao động du lịch chuyển nghề tạm thời nay sớm quay trở lại với công việc; lưu ý có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ và các gia đình hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch. Qua đại dịch, các bộ ngành cần xem đó là bài học xương máu, phải làm sao để có các chính sách phát triển bền vững, bao gồm nguồn nhân lực, huy động các doanh nghiệp du lịch tham gia đào tạo, thí điểm mô hình đào tạo mới; môi trường làm du lịch, phát triển sản xuất xanh, hạn chế rác, khí thải; cùng nhau số hóa các sản phẩm liên quan đến du lịch... Muốn phát triển ngành du lịch thành mũi nhọn, cần có giải pháp đột phá, với những nghiên cứu cụ thể, đề ra các biện pháp tháo gỡ, có thể xin làm thí điểm du lịch ở nơi có thế mạnh, nhất là có sự chung tay của nhiều bộ ngành để có sự kết nối mạnh mẽ. Tới đây đề nghị có thêm các cuộc họp bàn sâu từng vấn đề, giải quyết cho xong các vướng mắc, giúp ngành du lịch trở thành mũi nhọn. |