Lo lắng nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư công
Nêu ý kiến thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) đánh giá cao điều hành quyết liệt của Chính phủ trong năm 2024. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 (năm 2023 đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu).
Tốc độ tăng GDP năm 2024 ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%) và được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm…
Tuy nhiên, các ĐB cũng cho rằng, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; những tháng còn lại của năm 2024 nhiệm vụ nặng nề, cần nỗ lực cao hơn nữa để tạo đà cho năm 2025.
ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) quan tâm vấn đề hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) còn nhiều khó khăn. Báo cáo của Chính phủ cho thấy số DN rút lui khỏi thị trường còn lớn, tỷ lệ số DN rút lui khỏi thị trường trên số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường vẫn cao hơn cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm 2024, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 86.900 DN, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước; gần 61.500 DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 33,4%; 15.400 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,9%. Bình quân một tháng có 18.200 DN rút lui khỏi thị trường.
Như vậy, tỷ lệ số DN rút lui khỏi thị trường trên số DN tham gia thị trường 9 tháng đầu năm 2024 là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023. “Khả năng phục hồi của kinh tế được đánh giá là tốt nhưng số DN rút lui lại cao hơn cùng kỳ, cần đánh giá lại những chính sách của Chính phủ đối với DN đã thực sự hiệu quả chưa, có đi vào cuộc sống không, DN có được thụ hưởng không. Phải đánh giá kỹ lại, từ vấn đề rào cản thể chế, khả năng tiếp cận nguồn vốn, những chính sách dành cho DN vừa và nhỏ có giúp gì DN… mới giải quyết được vấn đề”, ĐB Thu Nguyệt nêu.
Cùng chung mối quan tâm, ĐB Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) và các ĐB đều lo ngại tốc độ tăng GDP năm 2024 tăng trưởng cao hơn kỳ vọng chưa phản ánh hết khó khăn tiềm ẩn trong nền kinh tế cũng như sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư công. Tình hình DN còn gặp nhiều khó khăn, chỉ có khu vực FDI hoạt động khá hiệu quả.
ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng cho rằng, trong 9 tháng đầu, GDP Việt Nam tăng trưởng 6,82%, đây là một con số ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, phần lớn mức tăng trưởng này đến từ các lĩnh vực khai khoáng và xuất khẩu do các doanh nghiệp FDI đóng góp chiếm 72,1% giá trị xuất khẩu. Khai khoáng dựa vào tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, trong khi các doanh nghiệp FDI, dù đóng góp lớn vào xuất khẩu, lại không giữ lại nhiều giá trị cho nền kinh tế trong nước, do lợi nhuận chủ yếu chảy ngược về các công ty mẹ ở nước ngoài.
ĐB Nguyễn Như So cho rằng, hậu quả lâu dài khiến chúng ta rơi vào bẫy tăng trưởng ngắn hạn, thiếu bền vững. Khi nguồn tài nguyên cạn kiệt hoặc thị trường quốc tế thay đổi, nền kinh tế có thể mất động lực phát triển, gặp khó khăn trong việc tự cường và duy trì đà tăng trưởng.
ĐB cho rằng, nếu chúng ta muốn đạt được sự phát triển bền vững, điều cần thiết nhất là phải tạo thế trận cân bằng, bên cạnh các biện pháp khuyến khích, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần tập trung vào việc nuôi dưỡng và phát triển các doanh nghiệp nội địa, bởi họ không chỉ tạo ra công ăn việc làm mà còn giúp nâng cao khả năng tự chủ, giảm sự phụ thuộc, bảo vệ nền kinh tế trước những biến động bên ngoài.
Giải ngân đầu tư công chậm và quá thấp, lừa đảo qua mạng ngày càng tăng
Đặc biệt, các ĐB rất lo ngại tình hình giải ngân đầu tư công chậm và quá thấp, đã nói rất nhiều năm, nhưng năm nay tiếp tục thấp hơn cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%), có nhiều nguồn vốn phải xin kéo dài thời gian, điều chuyển, trong khi nhiều dự án thì chờ vốn, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, lãng phí cơ hội rất nhiều.
“Đây là hạn chế mà Chính phủ phải đặc biệt lưu ý, là điểm nghẽn tác động tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư”, ĐB Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) nêu.
Các ĐB đề nghị Chính phủ đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cần rà soát thật kỹ vốn đầu tư công năm 2025, tránh tình trạng các chương trình, dự án được ưu tiên dành nguồn lực nhưng thực tế không triển khai được, rất lãng phí; Chính phủ cần nhìn nhận rõ nguyên nhân ở đâu để có giải pháp tháo gỡ.
Các ĐB cũng quan tâm đến tình trạng lãng phí, tâm đắc với bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về vấn đề này. ĐB Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, lãng phí trước hết ở công tác thể chế, sự chậm trễ trong ban hành các văn bản pháp luật, thông tư hướng dẫn khiến việc thực thi các chính sách không hiệu quả.
Vấn đề an ninh trật tự, xã hội, ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Đắk) nêu tình trạng lừa đảo qua mạng vẫn nổi cộm, ngày càng phức tạp hơn, gia tăng, phổ biển trên diện rộng. “Gần như ai cũng bị lừa làm thẻ ngân hàng, căn cước, bảo hiểm… Đề nghị Bộ Công an phối hợp với các lực lượng có chuyên án, quyết liệt hơn trong việc đấu tranh chống tội phạm qua mạng, để người dân được bình yên”, ĐB Thu Nguyệt nói.