Hành lang kinh tế phía Đông gồm ba tỉnh Rayong, Chon Buri và Chachoengsao, hiện là trung tâm sản xuất và đóng góp tới 1/5 GDP của Thái Lan. Tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực này là 6-7%/năm, nhanh hơn so với phần còn lại của đất nước.
Để hiện thực hóa điều này, đồng thời khôi phục phần nào những mất mát do đại dịch Covid-19 gây ra, Chính phủ Thái Lan vừa phê duyệt kế hoạch xây dựng thành phố thông minh với số tiền 1.340 tỷ baht (gần 36 tỷ USD) tại một trung tâm công nghiệp gần thủ đô Bangkok.
Thành phố thông minh mới sẽ có diện tích khoảng 2.340ha, được xây dựng tại huyện Huai Yai thuộc tỉnh Chon Buri, cách Bangkok 160km về phía Đông Nam. Tổng thư ký Văn phòng Hành lang kinh tế phía Đông Kanit Sangsubhan cho biết, dự án sẽ bao gồm 5 trung tâm thương mại cho phép công ty thuê lại để hoạt động kinh doanh. Theo ông Kanit Sangsubhan, các trung tâm này dự kiến sẽ được phân chia là nơi đặt văn phòng của các công ty, trung tâm tài chính, y tế, nghiên cứu và phát triển quốc tế cũng như các ngành công nghiệp tương lai như năng lượng sạch và công nghệ 5G. Ngoài ra, các khu dân cư của thành phố sẽ được thiết kế với quy mô 350.000 người vào năm 2032 và tạo ra 200.000 việc làm trực tiếp. Cư dân chủ yếu sẽ là những người làm việc trong khu vực công nghiệp, nơi dự kiến sẽ thu hút các khoản đầu tư trị giá khoảng 2.200 tỷ baht (hơn 60 tỷ USD) đến từ các công ty ô tô, robot, chăm sóc sức khỏe và hậu cần toàn cầu trong 5 năm tới.
Ông Kanit nhấn mạnh: “Thành phố mới sẽ là nơi đáng sống cho thế hệ mới, đồng thời là trung tâm kinh doanh. Chúng tôi tạo ra dự án mới này để bù đắp thu nhập mà Thái Lan bị mất trong trận đại dịch”. Trong một tuyên bố, Chính phủ Thái Lan đánh giá thành phố mới với các trung tâm kinh doanh có thể đóng góp thêm khoảng 2.000 tỷ baht vào tổng sản phẩm quốc nội của Thái Lan trong vòng 10 năm và giá trị tài sản sau thời gian nhượng quyền 50 năm sẽ tăng gấp 5 lần.