Các hạng mục bên trong bao gồm: phục dựng một phần Dinh trấn Thanh Chiêm xưa, xây dựng nhà trưng bày hiện vật về dinh trấn; nhà bảo tàng chữ quốc ngữ, trưng bày các hiện vật liên quan đến chữ quốc ngữ; tượng các chúa Nguyễn, tượng các giáo sĩ đầu tiên đặt nền móng khai sinh chữ quốc ngữ cùng những học giả, nhà báo có công truyền bá, cổ súy việc sử dụng chữ quốc ngữ…
Hiện dự án đã xong giai đoạn 1 (kè chắn, san lấp mặt bằng và một số hạng mục nhỏ). Theo kế hoạch, Công viên Dinh trấn Thanh Chiêm sẽ hoàn thành mở cửa đón khách vào năm 2022.
Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, Dinh trấn Thanh Chiêm sẽ phục dựng theo đúng kiến trúc dinh trấn xưa, kể cả tường thành, mái dinh… Không gian tôn vinh chữ quốc ngữ là nơi tái hiện lịch sử hình thành chữ quốc ngữ từ khi các giáo sĩ Dòng Tên đến Quảng Nam truyền đạo và đã nghiên cứu phôi thai chữ quốc ngữ. Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm sẽ được xây dựng thành Công viên Dinh trấn Thanh Chiêm, sau khi hoàn thành, không chỉ vinh danh chữ quốc ngữ mà còn trở thành nơi phục vụ các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn, phát huy chữ quốc ngữ, hướng đến xây dựng Thanh Chiêm trở thành điểm văn hóa phục vụ du lịch.
Ngoài những hiện vật đã được khai quật trước đây, UBND thị xã Điện Bàn đang tiến hành sưu tầm thêm những hiện vật có liên quan; các văn bản chính từ giấy tờ ngày xưa của các cha truyền đạo đang lưu ở các bảo tàng nước ngoài cũng sẽ được sưu tầm hoặc sao chép mang về trưng bày. Bên cạnh đó, UBND thị xã tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm đầu tư nhằm tôn vinh phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của di tích cũng như phát triển du lịch tại đây.
Lịch sử ghi nhận Dinh trấn Thanh Chiêm (nằm ở làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) ra đời gắn với việc chúa Tiên Nguyễn Hoàng sai con là Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ Quảng Nam năm 1602. Không chỉ quán xuyến hoạt động kinh tế ở vùng đất Quảng Nam, Dinh trấn Thanh Chiêm còn là nơi điều hành hoạt động của Tuần ty và quan Thủ ngự cai trị vùng Sài Gòn - Chợ Lớn lúc bấy giờ.