Phục chế tác phẩm nghệ thuật: Điểm giao nghệ thuật và khoa học

Thị trường nghệ thuật Việt Nam có những bước tiến dài vài năm gần đây, nhu cầu phục chế tranh, ảnh cũng tăng dần, tuy nhiên đội ngũ nhân lực chuyên môn hiện tại chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng có cuộc trò chuyện cùng chuyên gia phục chế tranh Hiền Nguyễn, về nhu cầu và khoảng trống trong công việc phục chế để từng bước hình thành thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước.

CN3 tro chuyen.jpg
Chuyên gia phục chế tranh Hiền Nguyễn tham gia phục chế một tác phẩm

PHÓNG VIÊN: Chị có thể chia sẻ cụ thể công việc của một chuyên gia phục chế là như thế nào?

Chuyên gia phục chế tranh HIỀN NGUYỄN: Công việc phục chế rất đặc thù, nó là điểm giao giữa nghệ thuật và khoa học. Người làm phục chế vừa phải có sự nhạy cảm với màu sắc, hình khối để nắm được tinh thần của tác phẩm, vừa phải có kiến thức sâu rộng về lịch sử, vật liệu, kỹ thuật và đôi khi cả hóa học, vật lý… có như thế mới đánh giá được đúng tình trạng của tác phẩm, từ đó thực hiện các phương pháp để khôi phục về gần nhất với trạng thái ban đầu.

Người ngoài nhìn vào có thể thấy công việc này nhàm chán vì phải ngồi nhiều giờ trong phòng lab, tuy nhiên cá nhân tôi thấy rất hay.

Theo chị, đâu là công đoạn khó nhất trong phục chế một tác phẩm? Đã từng có tác phẩm nào khiến chị trăn trở ?

Khó nhất có lẽ là việc đánh giá được chính xác nguyên nhân hư hỏng và đưa ra phương án phục chế phù hợp. Mỗi tác phẩm là một trường hợp riêng biệt, cần sự nghiên cứu kỹ lưỡng và tỉ mỉ, chưa kể luôn có sự cố bất ngờ có thể xảy đến do tác động của các điều kiện tự nhiên như độ ẩm, nhiệt độ…

Như gần đây tôi có thực hiện phục chế một bức chân dung sơn dầu của họa sĩ Lê Văn Xương. Khi được đưa đến, mặt trước của tác phẩm bị hư hại nặng, nhiều lớp màu bong tróc theo mảng lớn, một số vị trí toan vẽ bị rách lớn. Nhưng thử thách hơn cả là mặt sau của bức tranh được bồi kín bằng giấy báo và keo sữa.

Ban đầu, có lẽ họa sĩ muốn bồi báo để bảo vệ phía mặt sau của toan, nhưng báo có mực in là tạp chất và chứa nhiều axit, lâu ngày khiến cho phần toan vẽ bị hỏng, gây khó khăn trong việc tiếp cận mặt sau của tác phẩm. Chủ sở hữu mong muốn giữ lại phần báo cũ phía sau vì đó là một phần kỷ niệm của gia đình họa sĩ.

Mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu, cuối cùng tôi quyết định chia tác phẩm thành 2 phần riêng biệt, lớp giấy báo được gỡ ra, khử axit và bồi lại trên một bề mặt mới, còn phần tranh được thực hiện theo phương pháp phục chế tranh toan. Xong tất cả, 2 phần được cố định lại với nhau. Về cảm quan, tác phẩm rất giống bản gốc, nhưng thực chất 2 phần đều được phục chế và không còn tác động xấu lên nhau trong tương lai.

Theo chị, chuyên gia phục chế cần lưu ý gì và làm thế nào để tránh mất đi hồn cốt, vẻ đẹp nguyên gốc của tác phẩm?

Việc phục hồi tính nguyên bản của tác phẩm là một thách thức rất lớn. Và như tôi đã đề cập trước đó, người làm công tác phục chế phải có sự am hiểu sâu rộng về lịch sử, văn hóa, khoa học tự nhiên để biết được đâu là “điểm dừng” trong phục chế, điểm dừng này vốn không có một định lượng cụ thể, nếu đi quá một chút sẽ mất tính nguyên bản, nhưng thiếu một chút lại chưa đủ.

Có một điều chắc chắn rằng, việc phục chế cần đảm bảo mọi can thiệp ở thời điểm hiện tại đều có thể đảo ngược và trả lại nguyên trạng, các vật liệu sử dụng cần tương thích và không làm biến đổi chất liệu gốc. Đây là bước đi dài của công tác bảo tồn, chúng ta đang cố gắng giữ tác phẩm tồn tại lâu hơn.

Chuyên gia phục chế tranh Hiền Nguyễn (tên thật Nguyễn Thị Thu Hiền), tốt nghiệp chuyên ngành Phục chế - Bảo quản tác phẩm nghệ thuật tại Atelier du Temps du Passé, Paris (2014-2019). Năm 2004-2007, chị theo học kiến trúc tại Ecole d’architecture de Bretagne, Pháp.

Trong chuyến thực tập năm cuối ngành kiến trúc, với mục tiêu nghiên cứu chất liệu trong kiến trúc, chị đã tham gia phục chế nhà thờ cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ 13 tại Fontainbleau, Pháp. Chính cơ hội này đã mang đến cơ duyên tìm hiểu, học và nghiên cứu chuyên sâu ngành phục chế - bảo quản tác phẩm nghệ thuật sau này.

Hiện thị trường trong nước chưa có bảo hiểm cho tác phẩm nghệ thuật, điều này có gây khó khăn cho các chuyên gia phục chế?

Theo tôi biết, các đơn vị cung cấp bảo hiểm cho tác phẩm nghệ thuật ở thời điểm hiện tại chỉ có trụ sở ở nước ngoài, cung cấp bảo hiểm cho các tác phẩm trên toàn thế giới, kể cả

Việt Nam, tuy nhiên quá trình xét duyệt hồ sơ bảo hiểm phức tạp kèm theo yêu cầu khắt khe về điều khoản khiến thị trường nghệ thuật trong nước chưa tiếp cận được. Đối với ngành phục chế, việc không có bảo hiểm khiến các nhà sưu tập e ngại hơn khi có ý định phục chế tác phẩm, đồng thời gây khó khăn cho người làm công tác bảo tồn trong việc được tiếp cận với các tác phẩm đặc biệt, có giá trị nghiên cứu.

Hiện trong nước cũng chưa có trường đào tạo chuyên gia phục chế, để theo đuổi công việc này, chúng ta có thể học ở đâu? Theo chị, chuyên gia phục chế làm việc tại các nhà đấu giá lớn trên thế giới có phải rất quan trọng và mức lương rất cao?

Hiện ở Việt Nam chưa có trường đào tạo chuyên sâu về phục chế, gây khó khăn cho những ai muốn theo đuổi nghề này, đó là điều đáng tiếc, vì chúng ta có rất nhiều di sản cần được bảo tồn. Tuy nhiên, không có con đường nào cả nếu chúng ta không thử cất bước đầu tiên, đó là bắt đầu tìm hiểu và tích lũy kiến thức từ các chuyên ngành có liên quan như lịch sử mỹ thuật, vật liệu, chất liệu, hóa học… hay làm việc tại các bảo tàng, phòng tranh để có trải nghiệm thực tế.

Tôi thấy gần đây có rất nhiều học bổng và chương trình trao đổi về bảo tồn di sản trên khắp thế giới. Điều quan trọng là hãy luôn kiên định, vì đây thực sự là một con đường rất dài và cần nhiều cố gắng.

Vị trí của chuyên gia phục chế tại các nhà đấu giá lớn là rất quan trọng, họ đóng vai trò tư vấn, giúp nhà sưu tập đánh giá hiện trạng và đôi khi cả tính xác thực của tác phẩm. Mức lương của họ phụ thuộc vào trình độ và số năm kinh nghiệm. Nhưng tôi chắc chắn một điều rằng mức lương là không cao so với những gì một chuyên viên phục chế phải bỏ ra, bao gồm khoản đầu tư về thiết bị, hóa chất và thời gian học tập, nghiên cứu.

Tin cùng chuyên mục