Phú Yên: Nhiều cơ sở nhà, đất của các cơ quan Nhà nước bỏ hoang

Đại diện Sở Tài chính Phú Yên cho biết, có khoảng 162 cơ sở nhà, đất của các cơ quan Nhà nước chưa được xử lý và đang bỏ trống. Đây là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận tại kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Phú Yên.

Theo đại biểu Đặng Thị Hồng Nga, Trưởng Ban VH - XH, HĐND tỉnh Phú Yên, thực trạng việc quản lý, sử dụng tài sản công trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập, tập trung ở các lĩnh vực: khai thác tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; việc quản lý tài sản là nhà làm việc, trường học trên địa bàn tỉnh sau khi sáp nhập, tinh giản đầu mối vẫn còn bỏ hoang, xuống cấp, gây lãng phí.

Trước thực trạng này, Sở Tài chính đã phối hợp kiểm tra, rà soát 1.777 cơ sở nhà, đất, trong đó có phương án sắp xếp lại 1.652 cơ sở nhà, đất và đã thực hiện được 1.429 cơ sở nhà, đất (chủ yếu là cơ sở nhà, đất của các cơ quan, đơn vị đang quản lý, sử dụng). Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 162 cơ sở nhà, đất, dù đã có phương án sắp xếp, nhưng chưa thực hiện xử lý. Đây là trụ sở cũ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đang bỏ trống.

hai quanIMG_9892.jpg
Trụ sở của Chi cục Hải quan Phú Yên giao cho Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Yên nhưng không thể sử dụng vì xuống cấp

Đại diện Sở Tài chính nhận trách nhiệm việc quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan và cho biết thêm, đơn vị này tham mưu giao, điều chuyển, thanh lý, bán, sắp xếp tài sản công tại các cơ quan thuộc thẩm quyền (trụ sở làm việc, xe ô tô, tài sản trên 500 triệu đồng). Ngoài ra, Sở tham mưu giao cho các cơ quan, đơn vị sử dụng phù hợp với tiêu chuẩn, định mức đối với tài sản Trung ương chuyển giao về địa phương.

Tuy nhiên, để thực hiện chuyển giao 1 cơ sở nhà, đất từ Trung ương về tỉnh quản lý phải mất từ 2 - 4 năm. Khi Sở Tài chính nhận tài sản, các đơn vị không thể vào làm việc được ngay, phải thực hiện sửa chữa, cụ thể là 11 cơ sở nhà, đất của các đơn vị như: Chi cục thuế; trụ sở của VTV8; trụ sở của Chi cục Hải quan giao cho Sở Ngoại vụ... Do vậy, sẽ có một khoảng thời gian các trụ sở này bỏ trống, không sử dụng.

Cũng theo Sở Tài chính, đơn vị này là khâu cuối cùng để tham mưu UBND tỉnh việc điều chuyển, thanh lý, sắp xếp các trụ sở cũ khi các đơn vị có trụ sở mới nên không chủ động việc xử lý. Ngoài trách nhiệm của Sở Tài chính, việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, đơn vị thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản công và cơ quan quản lý nhà nước chủ quản.

VTVIMG_9906.jpg
Trụ sở của VTV bàn giao cho tỉnh Phú Yên đã có phương án sắp xếp nhưng chưa thể sử dụng vì xuống cấp

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở tỉnh Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung còn nhiều tồn tại, hạn chế. Bên cạnh nguyên nhân khách quan còn nhiều nguyên nhân chủ quan như: việc sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị còn chậm; tình trạng lãng phí về thời gian, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản chậm khắc phục… Thời gian tới, UBND tỉnh Phú Yên sẽ tập trung quyết liệt thực hiện chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung tiếp tục rà soát, cắt giảm và tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, nhất là về đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương.

Theo báo cáo tại kỳ họp thứ 23 HĐND tỉnh Phú Yên, đến tháng 11-2024, toàn tỉnh còn 18 dự án (tổng mức đầu tư là 2.905,637 tỷ đồng) chậm nộp báo cáo quyết toán (8 dự án cấp tỉnh và 10 dự án cấp huyện). Ngoài ra, các công trình: Trường Chính trị tỉnh Phú Yên; trụ sở Tỉnh Đoàn Phú Yên đã hoàn thành từ lâu nhưng cũng chưa được quyết toán.

Tin cùng chuyên mục