Xin thừa hưởng cơ chế của Khu kinh tế Vân Phong
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Tỉnh ủy Phú Yên đã báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 tại tỉnh. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức năm 2023 tốc độ tăng trưởng về kinh tế tỉnh tăng 9,16%, vượt 1,16% so với kế hoạch đề ra, đứng vị trí thứ 10 so với cả nước, xếp 1/14 tỉnh, thành khu vực từ Thanh Hóa – Bình Thuận.
Năm 2023, Phú Yên tập trung phát triển các dự án lớn để khơi thông hạ tầng, giúp tỉnh phát triển, thực hiện tốt quy hoạch vừa được Chính phủ phê duyệt. Năm 2023, toàn tỉnh thu hút được trên 24.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, tăng 25,8%, đến nay toàn tỉnh có trên 3.647 doanh nghiệp hoạt động, tổng vốn đăng ký 75.289 tỷ đồng; tổng thu ngân sách 4.197 tỷ đồng.
Năm qua, Phú Yên tiếp tục quan tâm thúc đẩy phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đặc biệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được chú trọng. Tỉnh Phú Yên nhìn nhận, hiện quy mô kinh tế tỉnh vẫn khá nhỏ, khả năng cạnh tranh trong phát triển thấp, các dự án chậm, thu ngân sách thấp, thiếu ổn định.
Qua đó, Tỉnh ủy Phú Yên nêu ra nhiều nguyên nhân, tồn tại và đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mới trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và công tác đối ngoại; 6 nhóm nhiệm vụ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng…
Dịp này, Tỉnh ủy Phú Yên nêu lên 9 kiến nghị đến Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác Trung ương, gồm: Bổ sung danh mục dự án đường bộ ven biển đoạn từ miếu Ông Cọp đến phía Bắc cầu An Hải (huyện Tuy An, Phú Yên) dài 3,8km, vốn 2.200 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ) vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025; Bổ sung danh mục 4 tuyến đường kết nối cao tốc; Đưa vào danh mục đầu tư các dự án đầu tư, mở rộng các đoạn còn lại theo quy hoạch tuyến Quốc lộ 25, Quốc lộ 29 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025; Đưa vào danh mục dự án đầu tư đường bộ cao tốc Phú Yên – Đắk Lắk vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030 của Trung ương; Bổ sung danh mục các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại các khu vực sạt lở nguy hiểm theo Kế hoạch tổng thể phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn của Trung ương giai đoạn 2026-2030 để có cơ sở và nguồn lực tổ chức thực hiện...
Tỉnh ủy Phú Yên cho biết, Khu Kinh tế (KKT) Nam Phú Yên là 1 trong 8 KKT ven biển, có nhiều nét tương đồng với KKT Vân Phong nên việc đầu tư đồng bộ hạ tầng 2 KKT sẽ tạo thuận lợi 2 tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa liên kết, phát triển. Hiện, tỉnh Khánh Hòa được Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh, trong đó KKT Vân Phong được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi để huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư...
Để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kết nối giữa KKT Nam Phú Yên – KKT Vân Phong, tỉnh Phú Yên đề nghị Chủ tịch Quốc hội quan tâm xem xét cho phép KKT Nam Phú Yên được hưởng một số chính sách ưu đãi như KKT Vân Phong, như: quy định danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào KKT Nam Phú Yên; các cơ chế để thu hút nhà đầu tư chiến lược; ban hành cơ chế phân cấp cho UBND tỉnh Phú Yên thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư đối với một số dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (sân bay, cảng biển có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên)...
Ngoài ra, Tỉnh ủy Phú Yên kiến nghị Chủ tịch Quốc hội ban hành cơ chế hỗ trợ các tỉnh trong việc tháo gỡ một số dự án triển khai còn có sai sót (các dự án từ giai đoạn trước), nhất là cơ chế để xử lý các vấn đề tồn tại vướng mắc của một số dự án BOT, BT, dự án đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư chấp thuận chủ trương đầu tư...
Tập trung thu hút dự án công nghiệp nặng
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các lãnh đạo, đại diện Đoàn công tác Trung ương tập trung bàn thảo, đóng góp ý kiến, hiến kế giúp tỉnh Phú Yên thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong giai đoạn mới; xem xét thấu đáo các ý kiến, kiến nghị của Tỉnh ủy Phú Yên.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, đồng chí Vương Đình Huệ đồng tình với báo cáo của tỉnh Phú Yên, ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực vượt khó vươn lên của Đảng bộ tỉnh Phú Yên trong thời gian qua, nhất là các chỉ số phát triển năm 2023.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Phú Yên là tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí địa kinh tế quan trọng, là cầu nối gắn kết các địa phương ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên và xa hơn cửa ngõ kết nối với tam giác phát triển 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Tỉnh có nhiều điều kiện phát triển cảng biển nước sâu, vị trí gần nhất với đường hàng hải quốc tế, có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp nặng, kinh tế biển, du lịch, dịch vụ…
Qua đó, đồng chí Vương Đình Huệ cũng nêu ra 1 số nhiệm vụ, giải pháp, gợi ý giúp tỉnh Phú Yên phát triển bền vững hơn trong giai đoạn mới. Trước hết, đồng chí cho rằng tỉnh cần tập trung bám sát tổ chức triển khai quy hoạch. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cần biến tầm nhìn, tư duy, quan điểm phát triển từ nền tảng quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt để giúp tỉnh cất cánh.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tỉnh Phú Yên đã thẳn thắng chỉ rõ trong báo cáo. Qua đó, đồng chí cho rằng, xuất phát điểm của tỉnh rất hạn chế nên quy mô kinh tế vẫn thấp, nhưng tỉnh đã nỗ lực phát triển từ 1 tỉnh thuần nông vươn lên mạnh mẽ, kinh tế tăng trưởng “vượt bậc”, lọt TOP 10 các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước năm 2023.
Cho rằng, giai đoạn khó khăn của Phú Yên đã qua, Chủ tịch Quốc hội mong muốn tỉnh Phú Yên nỗ lực hơn nữa để khai phá các thế mạnh, đặc trưng khác biệt của mình để vươn lên phát triển. Trong đó, tỉnh cần tập trung khai thác thế mạnh công nghiệp nặng ven biển với cảng nước sâu, khu kinh tế biển có tiềm năng kết nối gần nhất ra đường hàng hải quốc tế, kết nối liên vùng. Tỉnh cần tập trung hoàn thiện hạ tầng, kêu gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực luyện kim, lọc dầu, năng lượng tái tạo, năng lượng khí. Tại KKT Nam Phú Yên cần thu hút, “níu chân” được nhà đầu tư tiềm lực để tạo xung lực phát triển.
Du lịch Phú Yên có nhiều tiềm năng, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tỉnh được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan, thắng cảnh đẹp và kỳ vĩ nhất khu vực. Qua đó, đề nghị tỉnh cần tìm tòi giải pháp mới để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch. Chủ tịch Quốc hội gợi ý thêm, Phú Yên có thể tham khảo ra một số mô hình du lịch níu chân du khách tốt ở khu vực, như cách tỉnh Quảng Nam dàn dựng thực cảnh du lịch ở Hội An hay các nước có ngành du lịch phát triển trên thế giới… Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Phú Yên cần khai thác nhiều hơn nữa yếu tố văn hóa trong phát triển du lịch để bứt phá trở thành trung tâm du lịch.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn Công tác đến khảo sát thực tế tại khu vực kè Xóm Rớ (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) và nghe báo cáo quy hoạch sân bay Tuy Hòa thời kỳ mới.
Theo ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, quy hoạch mới sân bay Tuy Hòa sẽ mở rộng ra 1.000ha, trong đó có khu mở rộng ra sẽ đảm bảo bãi đáp cho máy bay, vị trí xây dựng nhà ga T2 mới với quy mô đón 5 triệu hành khách/năm. Đơn vị quản lý sân bay Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam dự kiến sẽ bố trí trên 2.000 tỷ đồng để nâng cấp sân bay Tuy Hòa…