Khi trở về với tên gọi cũ của mình (ngày 1-7-1989), Phú Yên là một tỉnh dưới mức nghèo. Nằm giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Định, Phú Yên không có nhiều lợi thế bởi sự cách trở địa hình, giao thông khó khăn. Phú Yên đã xây dựng lại trên nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém và đến nay đã tạo ra những bước đột phá ngoạn mục.
4 năm qua, trong điều kiện khó khăn chung do suy thoái kinh tế thế giới, nhưng nhờ có các chính sách, cơ chế kích cầu, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn Phú Yên hơn 18.800 tỷ đồng, vượt mức dự kiến kế hoạch 5 năm 2006-2010.
Theo đó, đi đôi với sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng, trong đó trồng lúa, chăn nuôi bò đàn và đánh bắt nuôi trồng thủy sản là chính, Phú Yên tập trung đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại, kêu gọi đầu tư các dự án kinh tế trọng điểm nên giá trị sản xuất công nghiệp liên tục tăng trưởng.
Trong các năm 2006-2009, nền kinh tế của tỉnh Phú Yên giữ tốc độ tăng trưởng khá cao, tốc độ tăng GDP năm thấp nhất (2009) là 11,1%, năm cao nhất (2007) là 13,4%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Đến năm 2009, GDP khu vực nông-lâm-thủy sản chiếm 30%, khu vực công nghiệp-xây dựng-dịch vụ chiếm 36%. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 1.060 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với năm 2005 và 1.000 lần so với năm 1990.
Đã có nhiều công trình đầu tư lớn, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển như: Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ 220MW; trục đường miền Tây nối liền 3 huyện miền núi của tỉnh với Bình Định, Đắc Lắc; Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh; nhiều cơ sở du lịch cao cấp, khách sạn cao tầng chất lượng “4 sao”, “5 sao” như Cendeluxe, Kaya, Vietstar, Hoàn - Ngọc - Bãi Tràm, làng chuyên gia, khu nghỉ dưỡng cao cấp Seaside…
Nhiều cơ sở công nghiệp đầu tư mới hoặc mở rộng, nâng cấp như Nhà máy Đường KCP, Nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô JRD, các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ…
Đặc biệt, việc mở đường bay Tuy Hòa - TPHCM từ 3 chuyến/tuần nâng lên 5 chuyến, rồi 7 chuyến/tuần; đường bay Tuy Hòa - Hà Nội và ngược lại từ 3 chuyến lên 5 chuyến/tuần đã góp phần quan trọng đưa Phú Yên cất cánh.
Bên cạnh Khu kinh tế Nam Phú Yên, trong đó có nhiều ưu đãi đầu tư và các khu công nghiệp, nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn cũng vừa được UBND tỉnh trao giấy chứng nhận. Đáng chú ý là 3 dự án của Tập đoàn Sama Dabar gồm Khu du lịch Gềnh Đá Dĩa, nâng cấp sân bay Tuy Hòa và tuyến đường cao tốc nối sân bay Tuy Hòa với Gềnh Đá Dĩa, tổng vốn đầu tư 300 triệu USD.
XUÂN HIẾU