Thay đổi ở vùng biên
Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, nhận xét huyện Ea Súp có đặc điểm “mưa dễ ngập, nắng thiếu nước” nên rất hạn chế phát triển cây công nghiệp. Cây chủ lực của địa phương chỉ là các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như lúa, bắp, khoai mì... Do đó, đời sống người dân nơi đây khá gian nan, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Mới đây khi chúng tôi về xã Ia R’Vê (huyện Ea Súp) dưới cái nắng khắc nghiệt của vùng biên giới, nhưng trước mắt chúng tôi là một màu xanh bạt ngàn của vườn chuối và ca cao trải dài hàng trăm hécta. Những buồng chuối trĩu quả, xanh mơn mởn bên cạnh là cây ca cao được trồng xen đang ra trái. Được biết, để phát triển được diện tích trên, năm 2016, Đoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) 737 đã liên kết với Công ty Ca cao Intercontinental Coporation (gọi tắt Công ty CIC) thực hiện dự án trồng ca cao xen chuối Nam Mỹ trên diện tích 40ha. Sau hơn 15 tháng chăm sóc, cả cây ca cao và cây chuối đều sinh trưởng và phát triển tốt.
Đặc biệt, cây chuối sau 9 tháng trồng đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 25 - 30 tấn/ha. Giống chuối Nam Mỹ cho trái kích cỡ to hơn giống chuối địa phương. Còn cây ca cao sau gần 2 năm trồng xen đã đạt chiều cao 1,7 - 2m, cành phát triển rộng đều, ra hoa và trái ở một số giống. Trước hiệu quả khả quan, năm 2017, liên doanh Công ty CIC - Đoàn KTQP 737 đã mở rộng diện tích lên 200ha.
Ông Đinh Hải Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CIC, hồ hởi cho biết vừa qua đơn vị đã xuất khẩu trên 10 container nông sản chuối sang thị trường Hàn Quốc. Trước đó, công ty cũng xuất khẩu mặt hàng chuối sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước Trung Đông. Trước khi thực hiện dự án liên doanh với Đoàn KTQP 737, công ty đã phối hợp với các chuyên gia nước ngoài đến khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở huyện Ea Súp trong gần 1 năm. Qua đó, các chuyên gia nhận xét khu vực này có địa hình bằng phẳng, thích hợp trong việc cơ giới hóa, tự động hóa nông nghiệp. Trước những bất lợi của điều kiện tự nhiên như thời tiết khắc nghiệt, đất đai cằn cõi, CIC đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, kết hợp với việc xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ; trong đó, tất cả các khâu khảo sát, thiết kế, lắp đặt đều được thực hiện trực tiếp bởi các chuyên gia Israel.
Phát triển ra nông hộ
Trước những kết quả khả quan từ dự án, liên doanh đang đặt mục tiêu trồng 1.000ha cây ca cao tập trung và phát triển 3.000ha ca cao liên kết với các nông hộ nhỏ, quy mô sản lượng 10.000 tấn/năm. Các hộ tham gia liên kết sẽ được chuyển giao kỹ thuật để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Việc hình thành các nông trại ca cao nhằm mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm và an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Ngọc Phú đánh giá: “Nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, liên doanh Công ty CIC - Đoàn KTQP 737 đã mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp. Nếu mô hình được nhân rộng ra các nông hộ, chúng tôi hy vọng cây ca cao có thể là cây công nghiệp chủ lực của địa phương. Hiện đời sống người dân nơi đây còn khó khăn, nếu liên doanh tạo điều kiện chuyển giao công nghệ, đầu tư trang thiết bị cũng như bao tiêu sản phẩm để phát triển diện tích, thì đây là điều đáng mừng để người dân tăng thu nhập. Huyện sẽ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất để liên doanh mô hình này ra nông hộ, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”.
Còn ông Nguyễn Hắc Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, nhận xét trang trại cây ca cao và chuối Nam Mỹ của liên doanh đang phát triển rất tốt. Đây là tín hiệu đáng mừng không chỉ của 2 doanh nghiệp mà cho cả người dân bản địa. Liên doanh đã tiên phong trong việc đa dạng hóa cây trồng trên vùng đất cằn cỗi nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, mở hướng để người dân có thể lựa chọn thay đổi giống cây trồng cho hiệu quả cao.