Việc làm bị cắt giảm, thu nhập giảm sút, không đủ tiền mua lương thực thực phẩm hàng ngày là tình trạng chung của không ít người lao động nghèo tại thành phố này. Thấu hiểu tình cảnh này, kiến trúc sư Supawut Boonmahathanakorn khởi xướng mô hình trang trại đô thị, góp phần cải thiện đời sống của các gia đình nghèo khó.
Sau khi được chính quyền phê duyệt quy hoạch trang trại, cùng với sự kêu gọi từ nhóm làm việc của kiến trúc sư Supawut Boonmahathanakorn trên mạng xã hội, một đợt quyên góp cây trồng, hạt giống đã được tổ chức. Kiến trúc sư Supawut cùng nhóm của mình đã dọn khoảng 5.700 tấn rác trên khu đất rộng 4.800m2, sau đó tiến hành cải tạo đất. Đến tháng 6-2020, trang trại được mở cửa để người dân trồng các loại cây lương thực tại khu đất này. Ngày càng nhiều tình nguyện viên từ học sinh, sinh viên đến những người sống ngoài khu vực Chiang Mai đến đóng góp hạt giống, cây trồng, gia cầm và tham gia sản xuất tại nông trại. Những sản phẩm đầu tiên của trang trại lần lượt ra đời, gồm các loại rau xanh như xà lách, rau cải ăn lá (bó xôi, cải xanh, cải ngọt, cải chíp), rau gia vị, trứng gà…
Ý tưởng của kiến trúc sư Supawut Boonmahathanakorn được giới chuyên gia môi trường đánh giá rất cao. Họ cho rằng, mô hình trang trại đô thị này không thể nuôi sống cả một thành phố, nhưng có thể cải thiện phần nào dinh dưỡng và tạo dựng khả năng tự cung tự cấp cao hơn, đặc biệt giữa những người dễ bị tổn thương, trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay. Không chỉ mang lại cuộc sống ổn định cho người dân nghèo mà ý tưởng cũng đã góp phần cải tạo mảng xanh cho vùng đô thị, giảm lãng phí thực phẩm, cũng như giảm khí thải từ việc vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, mô hình trang trại này làm giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, giảm thiểu tác động môi trường có hại từ các tòa nhà cao tầng.
Việc phát triển trang trại đô thị cũng đã được nhân rộng tại Bangkok. Cuối năm ngoái, Đại học Thammasat, một trong những trường lâu đời nhất tại Thái Lan, cũng khai trương nông trại trên mái nhà lớn nhất châu Á tại Bangkok, với diện tích 7.000m2. Giới chuyên gia môi trường kỳ vọng, với những sáng kiến phát triển mô hình trang trại đô thị gần đây ở Thái Lan, sẽ sớm được nhân rộng. Đây là một giải pháp đơn giản và hiệu quả nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.
Trên thực tế, việc phát triển các mô hình trang trại đô thị đã được người dân ở nhiều nước triển khai, nhưng vẫn ở cấp độ cá nhân, chưa mang tính hệ thống. Các chuyên gia khuyến khích, cần tận dụng khoảng đất trống để phát triển các mô hình trang trại đô thị. Bên cạnh các mô hình như vườn rau trên mái nhà hay vườn thẳng đứng, ngoài mục đích cung cấp thực phẩm, còn góp phần hạn chế nhiệt độ tăng và giảm nguy cơ ngập lụt tại các thành phố.