“Phủ” vaccine để dập dịch chó dại

Tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 130.000-140.000 con chó được nuôi trong dân, trong đó 2/3 đàn chó được nuôi ở các vùng nông thôn nhưng mới có hơn 50% tổng đàn chó được tiêm vaccine phòng bệnh dại. Từ cuối năm 2022 đến nay, toàn tỉnh phát hiện hàng chục ổ dịch nên ngành chức năng đang đề xuất “phủ” vaccine tiêm cho đàn chó để ngăn ngừa các ổ dịch bùng phát.

Lực lượng chức năng TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bắt chó thả rông
Lực lượng chức năng TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bắt chó thả rông

Chó dại thường xuyên tấn công người

Có mặt tại xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) vào những ngày cuối tháng 5-2024, chúng tôi nhận thấy, người dân đang lo lắng vì bệnh chó dại có nguy cơ bùng phát tại nơi cư trú. Chó nuôi trong nhà được nhốt lại, không phát hiện chó chạy rông ở ngoài đường như trước. Vẫn còn bàng hoàng sau khi bị chó nhà cắn, chị N.T.H.N. (sinh năm 1985, ngụ ấp 7, xã Bàu Cạn) cho biết, gia đình nuôi 4 con chó.

Mới đây, khi chị tháo dây xích thì bị một con cắn vào mu bàn tay trái, chảy máu. 4 giờ sau, con chó lăn đùng, nhỏ dãi rồi chết. Lo sợ chó mắc bệnh dại nên chị N. đến Trung tâm Y tế huyện Long Thành tiêm vaccine và huyết thanh phòng dại. Chị N. nói: “Qua xét nghiệm tại Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai, con chó cắn tôi dương tính với virus dại, trong số 3 con chó còn lại của gia đình thì có 1 con đã bị con chó dại nói trên cắn nên được nuôi nhốt, cách ly để theo dõi”.

Điều tra nhanh, lực lượng chức năng xác định, khu vực xung quanh nhà chị N. có 24 hộ gia đình nuôi 84 con chó; trong đó, 81 con đã được tiêm phòng dại, số còn lại chưa tiêm và không xác định được nguồn lây lan, khiến bà con trong vùng âu lo. Để phòng bệnh dại lây lan trên diện rộng và giảm tối đa hậu quả do dịch bệnh dại gây ra, lực lượng chức năng đã vận động các thành viên trong gia đình chị N. và các hộ gần kề đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng trước phơi nhiễm bệnh dại.

Còn tại “siêu” phường Trảng Dài (TP Biên Hoà) có diện tích 14,5km2 với dân số gần 120.000 dân, người dân nuôi chó thả rông rất nhiều. Trong những ngày nắng nóng, nhiều chú chó có biểu hiện hung dữ. Gia đình anh L.D.H. (ngụ khu phố 2) nuôi 2 con chó. Cách đây không lâu, trong lúc chơi với chó, 2 đứa con của anh bị 1 con chó cắn. Sau đó, 1 con chó bỏ ăn, sợ ánh sáng, phát dại nên cào xé, cắn chuồng rồi chết.

Để ngăn ngừa chó dại cắn người, cuối tháng 3-2024, TP Biên Hòa thực hiện thí điểm mô hình bắt chó thả rông tại phường Trảng Dài. Sau khi bắt chó thả rông, các thành viên trong đội thông báo trên hệ thống loa phường, khu phố. Chủ vật nuôi sẽ phải làm cam kết không thả chó chạy rông ra đường, đồng thời nộp phạt vi phạm hành chính là 400.000 đồng/con, tiền thức ăn và công chăm sóc chó. Đối với chó chưa tiêm phòng bệnh dại, chủ vật nuôi phải trả tiền vaccine, nộp phạt thêm 1,5 triệu đồng mới được nhận chó về.

Tiêm 1 triệu liều vaccine phòng dại

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Đồng Nai ghi nhận 12 ổ dịch chó bệnh dại, tăng 9 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2023, tập trung ở các huyện Trảng Bom, Định Quán, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Thống Nhất và Long Thành. Trước đó, năm 2023, tỉnh ghi nhận 20 ổ dịch chó bệnh dại tại 7 huyện, thành phố gồm: Định Quán, Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, TP Biên Hòa; có 2 ca tử vong. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai đã tiến hành tiêm ngừa dại trên diện rộng được trên 100.000 con chó.

Đáng chú ý, trong suốt thời gian dài từ năm 2014 đến tháng 12-2022, Đồng Nai không ghi nhận ổ bệnh chó dại nào, nhưng sang năm 2023 thì bắt đầu bùng phát. Lý do là trước đây, tỉnh đều tổ chức triển khai tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó với kinh phí được ngân sách cấp. Sau này, việc tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó được chuyển từ ngân sách hỗ trợ sang xã hội hóa, đồng thời nhiều người dân không quan tâm đến việc đưa chó đi tiêm bệnh dại nên đã tạo ra lỗ hổng trong miễn dịch, gây bùng phát thành dịch.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai), để dập dịch bệnh dại, tỉnh đang triển khai 3 giải pháp: tăng cường “phủ” vaccine phòng bệnh dại trên tổng đàn chó; tổ chức các điểm tiêm vaccine phòng bệnh dại, thành lập các đội bắt chó thả rông; tăng cường tuyên truyền người dân tự bảo vệ mình và vật nuôi bằng việc tuân thủ tiêm phòng bệnh dại cho chó, đưa chó ra đường phải có rọ mõm, dây xích, quản lý vật nuôi, không thả chó chạy rông, khi bị chó cắn phải đi tiêm phòng bệnh dại.

Sở cũng đề xuất UBND tỉnh chi ngân sách mua 1 triệu liều vaccine để tiêm ngừa cho đàn chó trong vòng 5 năm. UBND tỉnh đã làm tờ trình gửi lên HĐND tỉnh thông qua, dự kiến từ tháng 7-2024 sẽ có vaccine để triển khai công tác tiêm ngừa, phòng dịch trên đàn chó trong tỉnh.

Ngày 28-5, Sở Y tế tỉnh Tây Ninh cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh dại. Người thứ nhất tên A.H.D. (19 tuổi), ngụ ấp Trường Phú, xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành. Ngày 10-2-2024, anh D. bị chó cắn ở lòng bàn tay, đến ngày 17-5 anh D. khởi bệnh. Ngày 18-5, người nhà đưa anh D. đến Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh khám, được chẩn đoán bệnh dại. Anh D. được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, ngày 19-5 thì tử vong.

Trường hợp thứ hai là chị M.N.H. (50 tuổi), ngụ ấp Trường Đức, xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành. Tháng 1-2024, chị H. bị chó nhà cắn trên mặt, sau đó đến Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng may 4 mũi nơi vết cắn. Khi đến bệnh viện may vết thương, chị H. không tiêm ngừa dại. Ngày 21-5, sau khi chữa trị tại một số bệnh viện, chị H. qua đời. Kết quả xét nghiệm cho thấy chị H. dương tính với virus dại.

XUÂN TRUNG

Tin cùng chuyên mục