Biến trái khóm thành 6 sản phẩm OCOP
Năm 2006, anh Chương đang làm việc ở TPHCM thì bất ngờ “bỏ về quê”, lên Đồng Din để theo đuổi đam mê làm nông nghiệp. Kế thừa 5ha đất gò đồi của người cha, anh Chương bắt đầu quy hoạch, gầy dựng lại vườn khóm. Ngày mới về, dân làng gọi anh là Chương “2 sọt”, bởi anh chuyên thu mua khóm của cả làng rồi chở xe máy kẹp theo sau 2 cái sọt (đan bằng tre hoặc nhựa) đến các chợ đầu mối để tiêu thụ lấy lời. “Trước đây trái khóm giá cả bấp bênh lắm. Tôi nhớ, năm 2014-2015 giá khóm rớt thảm hại. Nhiều hôm chở khóm đi bán tôi rất xót ruột, vì khóm thơm ngon, công chăm sóc nhiều tháng mới có quả, nhưng giá thảm lắm!”, anh Chương tâm sự.
Đến năm 2016, thông qua mạng xã hội, anh Chương biết ở nhiều nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Đài Loan (Trung Quốc) đã sơ chế trái khóm thành bánh kẹo để bán, xuất khẩu với giá rất cao. Anh quyết định thu mua khóm cho bà con để thử nghiệm làm bánh khóm. Anh lên mạng tìm tài liệu, học làm bánh qua YouTube và tìm hiểu các mô hình khởi nghiệp từ đài, báo… Làm xong sản phẩm, anh lặn lội “gõ cửa” các sở, ngành, trung tâm, trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu… để xin đánh giá. Sau nhiều lần thất bại “lên bờ xuống ruộng”, anh Chương cũng tìm ra “bí kíp” làm bánh khóm sạch, an toàn nhờ 1 giáo viên chuyên đào tạo làm bánh ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) hướng dẫn.
Ngày ấy, cứ đến mùa khóm rớt giá là bà con Đồng Din kéo nhau chở khóm đến cho “phù thủy” Chương để nghiên cứu làm bánh, hy vọng giúp cả làng nâng cao giá trị trái khóm. Nhờ động viên của dân làng, kèm theo nhiệt huyết và tinh thần tìm tòi, học hỏi bền bỉ, lứa bánh khóm đầu tiên của anh Chương ra lò thành công, “bán chạy như tôm tươi”. Tiếp tục nghiên cứu, anh tạo ra sản phẩm thứ 2 - kẹo khóm sấy Đồng Din. Anh bắt đầu vay vốn mở nhà xưởng khép kín và đầu tư thiết bị, công nghệ, máy móc, thuê nhân công để sản xuất theo dây chuyền hữu cơ.
Trái khóm được anh Chương không bỏ sót thứ gì. Anh “biến hóa” thành 6 sản phẩm thương mại, như: bánh khóm, kẹo khóm sấy, giấm khóm, nước rửa chén, nước lau sàn, rượu khóm. Ngoài ra, anh còn thu mua thêm măng tre, lá giang ở các vườn khóm của người dân để tạo ra 2 dòng sản phẩm khác là “măng tre Đồng Din”, “lá giang sấy Đồng Din”. Qua một quá trình sản xuất “5 bước, 6 sản phẩm”, những phế phẩm sau cùng như xác và vỏ khóm được chuyển đến các khu vực dân cư để ủ phân kèm theo chất thải từ nhà bếp, chất thải dân sinh để quay vòng về lại vườn bón cây khóm.
Nhờ sản xuất theo dây chuyền hữu cơ, 8 sản phẩm (6 sản phẩm từ trái khóm, 2 sản phẩm phụ) của anh Chương đều được công nhận sản phẩm OCOP từ 3-4 sao. Các sản phẩm của HTX Đồng Din hiện đã bán rộng rãi ở các thị trường trong nước, nhất là khu vực Nam Trung bộ thông qua các gian hàng tạp hóa, siêu thị, chợ đầu mối… và đặc biệt được giới thiệu, bày bán ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc. Vừa qua, anh Chương đã hoàn tất thủ tục để chuẩn bị xuất khẩu các sản phẩm qua đường chính ngạch sang Trung Quốc.
Giúp nông dân tiêu thụ nông sản
Tháng 10-2018, anh Chương đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din chuyên sản xuất, kinh doanh nông sản kết hợp các dịch vụ công ích, chăm sóc cây xanh công viên, vệ sinh đô thị… Ban đầu thành lập, HTX chỉ có 7 thành viên và kinh phí cũng rất eo hẹp, chủ yếu lấy ngắn nuôi dài. Bên cạnh giúp người dân tiêu thụ khóm giá ổn định thì HTX cũng tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng.
Hiện, vùng nguyên liệu khóm đạt chuẩn sản xuất hữu cơ của HTX Đồng Din đã lên đến 400ha… Để tiếp tục tìm vùng nguyên liệu, mở rộng chuỗi liên kết, anh Chương tìm đến khảo sát, thử nghiệm khắp các vùng đất mới ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Anh cùng các cộng sự lặn lội ra Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) và tìm được một số vùng đất để lập vùng nguyên liệu khóm. Qua đó, HTX Đồng Din đã liên kết với 9 hộ dân ở đây để trồng khóm và bao tiêu sản phẩm. Người dân được hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cho đến lúc tiêu thụ, xử lý sản phẩm bao tiêu với mức giá ổn định. Anh Chương cũng giúp các hộ dân tự tạo nên dây chuyền sản xuất từ lúc canh tác đến khâu chế biến thành phẩm.
Anh Chương chia sẻ thêm, hiện anh đang nghiên cứu và trồng thử nghiệm 2.000 cây sung Mỹ black Israel và sung Magic (sung ngọt Mỹ), 300 cây long não để mở rộng chuỗi sản phẩm cùng dòng. “Tới đây, tôi sẽ mở mô hình phục vụ du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng và tham quan, học tập kinh nghiệm làm nông sản. Chỉ có tạo ra chuỗi sản xuất từ trồng đến chế biến, tiêu thụ thì giá trị của nông sản mới tăng cao được. Đó cũng chính là con đường để thoát khỏi điệp khúc: được mùa rớt giá, hoặc bị động theo mùa”, anh Chương tâm sự.
Giữa tháng 10 vừa qua, anh Chương được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương là 1 trong 100 nông dân tiêu biểu nhất cả nước, được tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022”. |