
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nạn dịch phụ thuộc vào Internet hiện đang lây lan trên khắp hành tinh. Y học nói chung vẫn bỏ qua hay đúng ra là chưa sẵn sàng để chống lại căn bệnh mới này. Chỉ riêng Trung Quốc đã bắt đầu có những đánh giá nghiêm túc và triển khai một số biện pháp ngăn chặn có hiệu quả đầu tiên…
Chẳng khác gì nghiện ma túy!

Dù có số “con nghiện Internet” nhiều nhất thế giới nhưng nhờ những giải pháp hợp lý, Trung Quốc đã đạt được hiệu quả nhất định trong việc giải quyết tình trạng này
“Tôi đang đắm chìm trong đó và không thể thoát ra được mỗi khi muốn…”; “Tôi đang vào mạng mà không thể ngắt kết nối bất kỳ lúc nào”… - đó là những lời thừa nhận mà các bác sĩ hay chuyên gia tâm lý thường gặp mỗi khi tiếp xúc với những “con nghiện Internet”. Tình trạng phụ thuộc vào Internet đang dần dần trở thành một mối đe dọa mới đối với thế giới văn minh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, có không dưới 10% người sử dụng mạng máy tính toàn cầu đang lâm vào tình trạng phụ thuộc thực sự vào Internet từ những khả năng và sự phong phú không có giới hạn của nó.
Những người này không thể hình dung được cuộc sống hằng ngày của mình lại không có các blog (nhật ký trên mạng), chat (tán gẫu trên mạng), forum (diễn đàn trên mạng) hay game online (trò chơi trên mạng)…
Nếu tính đến thực tế rằng, số người thường xuyên sử dụng Internet hiện đã lên tới hơn 1 tỷ và con số này thường xuyên tăng trung bình từ 5% đến 7%/tháng, không quá khó để có thể dự đoán được, số con nghiện Internet sẽ chẳng mấy chốc ngang bằng với số con nghiện những loại ma túy thông thường.
Các cơ chế hình thành sự phụ thuộc vào Internet cùng những triệu chứng của nó cũng không khác nhiều so với chứng nghiện ma túy thông thường. Internet nhanh chóng thu hút và lôi kéo con người bằng sự giàu có về thông tin, các hình thức giải trí và các dịch vụ…
Con người bắt đầu sống với sự chờ mong lần vào mạng tiếp theo. Tất nhiên, thời gian con người dành cho Internet sao cho đảm bảo được sự ham thích của mình cũng thường xuyên tăng dần - tương tự như việc “tăng đô” của các con nghiện ma túy.
Triệu chứng tiếp theo là đối tượng cảm thấy bị stress, cáu kỉnh hay không tập trung mỗi khi không có điều kiện vào mạng. Hậu quả là anh ta dành ít thời gian hơn cho công việc, cho việc tiếp xúc với những người xung quanh, hoạt động xã hội dần dần “chuyển hộ khẩu” hoàn toàn vào thế giới ảo.
Cũng như người nghiện ma túy hay nghiện rượu, những người quá phụ thuộc Internet sau giai đoạn lơ là dần công việc hay học tập có thể hoàn toàn quên hẳn những nghĩa vụ trên. Công chúng đều không còn quá lạ trước những trường hợp nhiều người đã hoàn toàn kiệt sức do ngồi bên máy tính để vào Internet sau nhiều ngày liền.
Tại Mỹ, Trung Quốc hay Nhật còn có cả những vụ dẫn tới chết người. Chưa kể số lượng những vụ tự sát vì trầm uất liên quan đến tình trạng quá phụ thuộc Internet đã được ghi nhận lên tới vài chục trường hợp.
Kinh nghiệm từ Trung Quốc
Trong khi các chuyên gia tâm lý của phương Tây đang còn mải tranh luận về những giải pháp có thể chữa trị chứng phụ thuộc Internet thì Trung Quốc lại tỏ ra không muốn lãng phí thời gian trong lĩnh vực này. Tháng 11-2008, Bộ Y tế nước này đã chính thức thừa nhận tình trạng phụ thuộc Internet chính là một chứng rối loạn về tâm lý, đánh giá chứng bệnh này ngang bằng với nạn nghiện rượu hay cờ bạc.
Các quan chức Trung Quốc cho biết, sự say mê đến mức không lành mạnh đối với Internet đang làm ảnh hưởng tới gần 13% số thiếu niên ở độ tuổi dưới 18 tại quốc gia này (tức là khoảng 2,5 triệu người). Nhưng đó chỉ là con số thống kê chính thức, còn số lượng thực sự đáng ngại hơn nhiều.
Nếu như tại quốc gia “máy tính hóa” nhiều nhất như Mỹ, chỉ có 18% đại diện thanh thiếu niên tự nhận mình là “con nghiện Internet” trong các cuộc thăm dò ý kiến thì tại Trung Quốc tỷ lệ này lên tới 42%.
Để chữa trị chứng nghiện đặc biệt này, Trung Quốc đã cho thành lập một trung tâm phục hồi đặc biệt tại ngoại ô Bắc Kinh. Tại đây, ngoài việc hỗ trợ tâm lý truyền thống cùng một số liệu pháp khác, các con nghiện sẽ phải sống một cuộc sống được rèn luyện quy củ theo các quy định như quân đội - trong đó có cả việc phải tuân thủ theo một kỷ luật sắt và tham gia luyện tập quân sự hằng ngày.
Trong những khu nhà được tổ chức như trại lính, các con nghiện sẽ phải dậy từ 6 g sáng để tập thể dục. Phần lớn thời gian còn lại trong ngày họ sẽ được tham gia tập luyện cũng như thực thi một số nhiệm vụ theo nhóm khác.
Theo lời Giám đốc Tao Jan của trung tâm, liệu pháp này có hiệu quả nhất đối với các bệnh nhân gặp tình trạng quá phụ thuộc vào Internet, do nó giúp cho bệnh nhân cảm nhận sự thú vị hơn của cuộc sống thực tại so với cuộc sống ảo trên mạng.
Trong một phạm vi hẹp hơn, Trung Quốc cũng áp dụng hiệu quả một số biện pháp chống nạn nghiện trò chơi trên mạng (GO). Theo đó, cả một hệ thống chống nghiện GO đã được triển khai từ tháng 7-2007.
Tất cả các nhà phân phối và điều hành GO tại Trung Quốc đều được yêu cầu phải theo dõi và phát hiện những đối tượng chơi game của họ nhiều hơn 3 tiếng mỗi ngày để có thể xử lý và ngăn chặn kịp thời. Các game thủ cũng được yêu cầu khi đăng ký tài khoản phải sử dụng tên thật và số thẻ chứng minh để xác định xem họ có dưới 18 tuổi hay không.
Các hệ thống theo dõi tự động sẽ có tác dụng hạn chế thời gian chơi game bằng cách trừ một nửa số điểm thưởng tích lũy nếu đối tượng vẫn lên mạng để chơi GO quá 3 tiếng mỗi ngày. Còn nếu thanh thiếu niên nào đó chơi quá 5 tiếng mỗi ngày, tất cả điểm tích lũy game của cậu ta sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn.
Điều tra cho thấy, có khoảng 60% số thanh thiếu niên được hỏi tỏ ra hài lòng với hệ thống chống nghiện GO kiểu này. Con số thống kê cũng khẳng định hiệu quả trên, khi tổng số thiếu niên chơi GO dưới 18 tuổi tại Trung Quốc đã giảm 15% trong năm 2008.
LINH NGA (SGGP-12G)