Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc tỉnh ủy Phú Thọ đã rất chủ động xây dựng chương trình hành động triển khai các nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt đã ban hành nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Phú Thọ là một trong số ít các địa phương có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, thể hiện quyết tâm đổi mới, khát vọng phát triển rất mạnh mẽ của địa phương.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một số hạn chế mà Phú Thọ cần tập trung khắc phục, đặc biệt là nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Đến nay, Phú Thọ vẫn là tỉnh chưa tự cân đối được chi thường xuyên, cơ cấu nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; phát triển đô thị còn chậm; sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết còn hạn chế…
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Phú Thọ tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng, thế mạnh phát triển của địa phương, trong đó, đặc biệt lưu ý vị trí nằm trong quy hoạch Vùng Thủ đô, là cửa ngõ trung tâm kinh tế liên tỉnh phía Bắc, nằm trong hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng, có nhiều tiềm năng và lợi thế, cách Thủ đô Hà Nội chỉ 100km, chỉ cách sân bay Nội Bài 50km. Tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử cách mạng, tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Phú Thọ tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND. Quốc hội và HĐND cùng thi đua để xứng đáng là cơ quan đại biểu của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Về phát triển vùng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện có hai vấn đề đang được Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, đó là thể chế phát triển vùng và cơ chế điều phối vùng. Với địa phương, cần quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 11, đánh giá kỹ lưỡng các tiềm năng, lợi thế của địa phương trong vùng, tính toán xác định các nhiệm vụ phát triển hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, kết nối chính sách, kết nối hạ tầng với các tỉnh trong vùng để tạo sự bứt phá trong thời gian tới.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, Phú Thọ đóng vai trò kết nối trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, do đó, các bộ, ngành cũng cần quan tâm đến vị thế của Phú Thọ trong vùng để hiện thực hóa trong các quy hoạch.