Kết quả có được nhờ chủ trương thực hiện đề án phát triển BV vệ tinh, qua đó giúp nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ y tế của BV tuyến dưới, góp phần giảm tải cho BV tuyến trên.
BV tuyến dưới chuyển mình
Mộc Châu là một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sơn La. Trước đây, người dân mỗi khi đau ốm phải lặn lội lên BV tỉnh cách xa nhà hàng trăm cây số; bệnh nặng phải mất ít nhất nửa ngày để chuyển xuống Hà Nội. Giờ thì đã khác, bà con các dân tộc sống ở mảnh đất cao nguyên của Tây Bắc chỉ cần tới BV Đa khoa huyện Mộc Châu là có thể yên tâm chữa bệnh. Không chỉ phẫu thuật, chụp chiếu, xét nghiệm hay đỡ đẻ thông thường mà BV còn thực hiện được những ca thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm, đem lại niềm vui cho nhiều gia đình hiếm muộn. Có được sự thay đổi này là nhờ đề án BV vệ tinh. Bác sĩ Vũ Giang An, Phó Giám đốc BV Đa khoa Mộc Châu, cho biết đến nay BV đã tiếp nhận chuyển giao và thực hiện được nhiều kỹ thuật mới từ các BV tuyến trên, như siêu âm tim, mạch máu, phẫu thuật nội soi ổ bụng, phẫu thuật vết thương tim, các phương pháp điều trị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy hô hấp trẻ sơ sinh..., góp phần cứu chữa thành công nhiều ca bệnh khó. Bệnh nhân cũng được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại mà không phải chuyển lên tuyến trên.
Tại khu vực Bắc Trung bộ, những bệnh nhân ung thư giờ có thể yên tâm điều trị tại Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân của BV Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh hay BV Ung bướu Nghệ An, thay vì phải tốn nhiều chi phí hơn để ra BV K, BV Bạch Mai. Lãnh đạo BV Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, với sự giúp đỡ của Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu BV Bạch Mai, BV tỉnh nhà đã có được đội ngũ y bác sĩ chuyên ngành về ung bướu, cùng với đó được trang bị các máy móc hiện đại như máy CT 64 dãy, máy Spect 2 đầu thu… hỗ trợ hiệu quả công tác khám, chẩn đoán, điều trị bệnh.
Hay mới đây, BV Đa khoa tỉnh Sóc Trăng đã đưa vào hoạt động Phòng thông tim can thiệp mạch. Đây là kết quả từ chương trình chuyển giao kỹ thuật từ BV Đại học Y Dược TPHCM. Phòng thông tim can thiệp mạch chuyên về ứng dụng kỹ thuật ít xâm lấn trong điều trị các bệnh lý tim mạch, nhằm đem lại cho người bệnh một kết quả điều trị tốt nhất và thời gian bình phục nhanh hơn. Trong suốt thời gian qua, BV Đa khoa tỉnh Sóc Trăng - đơn vị vệ tinh của Trung tâm Tim mạch BV Đại học Y Dược TPHCM - đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng. Đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng được đưa về TPHCM để học tập, thực hành đến khi thuần thục. Song song đó, hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại cũng được đầu tư đồng bộ và nhanh chóng.
Đề án nhân văn
Việc hỗ trợ chuyển giao các dịch vụ y tế kỹ thuật cao từ các BV tuyến trên cho tuyến dưới qua Đề án BV vệ tinh của Bộ Y tế đã giúp cho người dân mỗi khi đau ốm được khám chữa bệnh chất lượng cao ngay địa phương. Đánh giá về giai đoạn 5 năm (2013-2018) triển khai Đề án BV vệ tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ: “Đây là một đề án nhân văn, khi nhiều BV tuyến tỉnh đã tiến hành phẫu thuật ghép tạng, phẫu thuật tim mạch thành công. BV tuyến huyện cũng đã mổ được nội soi, cứu sống được trẻ sơ sinh chỉ nặng 500g... Đây là những bước tiến đáng phấn khởi. Được chuyên gia ở tuyến trên cầm tay chỉ việc, trình độ tay nghề của các y bác sĩ tuyến dưới nâng lên rõ rệt. Đồng thời, thông qua hệ thống y tế từ xa (telemedicine), nhiều ca bệnh được hội chẩn trực tuyến, bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên, tỷ lệ tai biến cũng giảm đi, giảm bệnh nhân tử vong”. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng khi BV tuyến dưới được nâng cao trình độ, giành được niềm tin của nhân dân thì BV tuyến trên không chỉ giảm bớt quá tải mà còn có nhiều thời gian hơn để tập trung thực hiện các kỹ thuật cao ngang tầm quốc tế và nghiên cứu khoa học.
Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước đã hình thành 23 BV hạt nhân và 138 BV vệ tinh với 10 chuyên khoa được đầu tư, ưu tiên phát triển, gồm: Ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc. PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, nhận định Đề án BV vệ tinh đang là đòn bẩy giúp BV tuyến dưới phát triển, khi mà thực tế cho thấy người bệnh đã tin tưởng thực hiện nhiều kỹ thuật cao ngay tại tuyến cơ sở.
Ông Khuê dẫn chứng, trong chuyên ngành ngoại - chấn thương, trước đây, với kỹ thuật phẫu thuật chấn thương, vết thương mạch máu ngoại vi, mổ máu tụ trong não, đa phần BV tuyến dưới chưa thực hiện được. Tuy nhiên, sau khi được BV Việt Đức chuyển giao kỹ thuật, các BV tuyến tỉnh như Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên đã triển khai thực hiện được các kỹ thuật này thuần thục, nhờ đó nhiều bệnh nhân đã được cứu sống. “Có những BV tỉnh, tỷ lệ chuyển tuyến chỉ còn dưới 1%. Điều này chứng tỏ, những kỹ thuật cao, phức tạp, nếu được đầu tư, đào tạo bài bản, các bác sĩ ở BV vùng cao, vùng xa có thể làm được”, ông Khuê chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, các BV hạt nhân trực thuộc sở không chỉ thực hiện chuyển giao nhiều kỹ thuật cho BV tuyến dưới trên địa bàn, mà còn nâng cao năng lực chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh cho 28 BV vệ tinh của 22 tỉnh, thành phố phía Nam thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn đào tạo, chuyển giao các gói kỹ thuật. Trong đó, Sở Y tế TPHCM chỉ đạo tập trung chuyển giao kỹ thuật cho BV vệ tinh với 5 chuyên khoa quá tải hàng đầu ở TP là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi. |