Ngay khi UBND tỉnh Bình Thuận chính thức công bố quyết định phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Phú Quý đến năm 2030 thì chiếc tàu cao tốc thứ 3, tuyến Phan Thiết - Phú Quý và ngược lại, chính thức đi vào hoạt động, đã tạo luồng gió mới, tiếp thêm sức bật cho hòn đảo giữa trùng khơi. Nhiều du khách khi đặt chân đến huyện đảo xinh đẹp này đã phải thốt lên: “Phú Quý thật sự đã đổi đời!”.
Đảo xa như gần lại
Những ngày cận tết, tại cảng Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), tôi quyết định mua chiếc vé tàu cao tốc Phú Quý Express vừa được hạ thủy để cùng với hơn 300 hành khách khác ra đảo Phú Quý. Trên chiếc giường nệm êm ái, máy điều hòa mát rượi, nhiều người tưởng như mình đang nằm trên một con tàu 5 sao nào đó. Mặc cho những đợt sóng dữ dội đang chồm lên bên ngoài mạn tàu, con tàu vẫn lướt đi êm ả, hành khách nhanh chóng đi vào giấc ngủ một cách thư thái. Bất chợt, tiếng loa thông báo trên tàu vang lên: “Tàu sắp cập cảng Phú Quý, hành khách chuẩn bị hành lý để lên đảo”. Lúc này, nhiều người tỉnh giấc, ngơ ngác hỏi nhau: “Tới nơi rồi à? Sao nhanh thế?”. Lật đồng hồ ra xem, một vài người còn chưa dám tin khi chỉ mất hơn 3 giờ đồng hồ, con tàu đã vượt biển hơn 56 hải lý để cập cảng Phú Quý.
Vừa đặt chân lên đảo, tôi mướn xe máy của những người làm dịch vụ cho thuê xe ngay bến cảng với giá 100.000 đồng/ngày để tự mình khám phá hòn đảo này. Tiếp tôi, ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng phòng Kinh tế - Tài chính huyện Phú Quý, niềm nở cho biết, đảo có diện tích tự nhiên khoảng 17km², dân số trên 27.000 người sinh sống ở 3 xã Long Hải, Ngũ Phụng và Tam Thanh. Trước đây, điều kiện cuộc sống của người dân huyện đảo gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự phát triển về mọi mặt, đảo đã thay đổi rõ rệt.
Hơn 30 năm có mặt trên huyện đảo để cứu người, bác sĩ Bùi Đình Lĩnh, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế quân dân y huyện đảo Phú Quý, còn nhớ như in những ngày đầu đặt chân lên đảo: “Ngày ấy, cuộc sống của dân đảo vô cùng khó khăn, nguồn nước ngọt khan hiếm, không điện, đường sá và các cơ sở vật chất khác được xây dựng rất tạm bợ. Khi ấy, để vào đất liền người dân phải chờ cả tuần, có khi nửa tháng mới có thuyền đi, mỗi lần đi phải lênh đênh trên biển cả ngày trời mới tới nơi. Vậy nên, không chỉ các bác sĩ mà còn nhiều người ở các ngành nghề khác không ai đủ kiên nhẫn, chịu khổ để bám đảo”.
Từ năm 2014, Phú Quý bắt đầu được cung cấp điện 24/24 giờ, kinh tế huyện đảo bắt đầu phát triển mạnh, nhất là lĩnh vực đánh bắt và chế biến hải sản xa bờ. Tiếp đó, từ năm 2015 đến nay, người dân huyện đảo liên tiếp đón nhận 3 con tàu trung và cao tốc hiện đại, thay thế cho những tàu vận tải lạc hậu. Thời gian từ đảo về đất liền và ngược lại được rút ngắn từ 7-8 giờ xuống chỉ còn gần 3 giờ. Khi khoảng cách được rút ngắn, du khách bắt đầu chú ý đến vùng đất xinh đẹp này. Thế rồi, những người dân chân chất nơi đảo xa bỗng chốc trở thành những hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, những chủ nhà hàng, khách sạn với đầy đủ các dịch vụ tiện nghi không thua kém gì so với đất liền.
Du lịch cất cánh
Được sự giới thiệu của UBND huyện Phú Quý, tôi tìm đến gặp ông Dương Văn Vĩ, một trong những người tiên phong kinh doanh du lịch trên huyện đảo. Vẻ chân chất, hiền hậu của một ngư dân “chính hiệu” không giống vẻ giám đốc của một khu du lịch sinh thái có tiếng ở đảo. Ông Vĩ thổ lộ: “Cách đây chừng 10 năm, tôi vốn là một ngư dân. Rồi một lần có dịp vào đất liền đi chơi, tôi nhận thấy nơi mình sống cảnh đẹp không thua kém bất kỳ nơi nào nhưng lại chưa được khai thác. Về lại đảo, tôi mạnh dạn lên ý tưởng và nhanh chóng được chính quyền địa phương ủng hộ”. Thế nhưng, dù đã có nhiều cố gắng, nhưng việc kinh doanh của ông Vĩ gặp rất nhiều khó khăn do phương tiện ra vào đảo chưa phát triển. “Mãi đến những năm 2014 - 2015, sự xuất hiện của con tàu trung tốc đầu tiên đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi để du lịch Phú Quý đi lên”, ông Vĩ chia sẻ.
Cũng kể từ đó, đảo Phú Quý như có một “luồng gió mới” thổi về. Khắp nơi trên đảo, người người đua nhau xây nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, quán ăn… để phục vụ lượng du khách trong và ngoài nước. Nhiều bạn trẻ nhận thấy cơ hội này đã mạnh dạn đưa những mô hình du lịch mới lạ vào phục vụ như: dịch vụ lưu trú homestay, các tour khám phá đảo, lặn ngắm san hô, trải nghiệm một ngày làm ngư dân. Cứ thế, hòn đảo nhỏ nghèo nàn, lạc hậu ngày nào nay nhộn nhịp, sôi động không thua kém gì so với bất kỳ nơi nào trên đất liền.
Trước sức hút du lịch ở huyện đảo ngày càng cao, một số công ty, đơn vị liên tiếp đầu tư và đưa vào sử dụng tàu cao tốc hiện đại. Chẳng vậy mà trong năm 2018, huyện đảo đã đón gần 20.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, lưu trú. Theo UBND huyện Phú Quý, năm 2018, huyện đảo đều hoàn thành tất cả các tiêu chí về kinh tế, xã hội. Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển du lịch, lượng du khách ngày càng tăng lên, các dịch vụ phát triển nhanh chóng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Ngồi trên những chiếc bè nổi trên biển của những người dân huyện đảo, tôi chợt nhớ đến sự kiện UBND tỉnh Bình Thuận vừa công bố quyết định phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Phú Quý đến năm 2030. Theo quy hoạch, khu du lịch sẽ khai thác hiệu quả các thế mạnh về tài nguyên sinh thái biển, yếu tố văn hóa và con người để xây dựng thương hiệu đặc trưng cho huyện đảo. Với những gì Phú Quý đã và đang có, việc đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa Phú Quý cơ bản trở thành khu du lịch trọng điểm của Bình Thuận, phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng biển đảo gắn với di sản, tìm hiểu văn hóa biển, ẩm thực biển sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.