Gây ô nhiễm môi trường
Theo Bộ NN-PTNT, nước ta có sản lượng nông sản lớn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho khoảng 100 triệu dân và xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới. Trong quá trình sản xuất nông sản, nhiều phụ phẩm từ thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi… được thải ra với tỷ lệ rất lớn. Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2020, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp trên 156,8 triệu tấn; bao gồm 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ ngành trồng trọt, 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi, 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp và gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, phụ phẩm trồng trọt sau thu hoạch có khối lượng lớn là rơm lúa với 42,8 triệu tấn, thân cây bắp 10 triệu tấn, rau, quả 3,6 triệu tấn, thân cây mì 3,1 triệu tấn, trái điều 3,1 triệu tấn và các loại khác 6,1 triệu tấn. Những phụ phẩm này cũng đã được người nông dân sử dụng làm thức ăn thô cho gia súc, đệm lót sinh học, nấm rơm, lót các loại trái cây… nhưng chỉ 50%/tổng sản lượng phụ phẩm được sử dụng. Duy nhất trong lĩnh vực thủy sản, phụ phẩm được sử dụng đến 90% để chế biến thành các sản phẩm có ích như thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ… Nhiều phụ phẩm nông nghiệp còn lại đã trở thành rác thải, gây ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, nhận định, phụ phẩm trong nông nghiệp chính là mỏ vàng. Đơn cử, Việt Nam xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản nhưng nước này chỉ ăn thịt cá, các phần khác như da, nội tạng, xương… được xử lý thành phân bón rồi bán lại cho nông dân Việt Nam để trồng cây. “Điều đáng buồn là Việt Nam cũng có thể chế biến được phân bón từ phụ phẩm của cá ngừ nhưng giá thành lại cao gấp đôi so với sản phẩm cùng loại của Nhật Bản nhập khẩu về cảng. Nguyên nhân chính là chúng ta chưa có công nghệ, thiết bị sản xuất tiên tiến để giúp hạ giá thành sản phẩm”, GS-TS Võ Tòng Xuân tâm tư.
Trên thực tế, tại Việt Nam cũng đã có nhiều nông dân, doanh nghiệp tận dụng thành công phụ phẩm nông nghiệp phục vụ chính công việc trồng trọt, chăn nuôi của mình. Ở Bến Tre có trang trại rộng 7ha của bà Nguyễn Thị Thiên, Giám đốc Công ty CP Thái Hưng Thịnh đã sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để quay trở lại phục vụ cho chính trang trại. Trang trại nuôi 500 con heo, chất thải từ heo được ủ thành phân và làm biogas. Rau củ, rác hữu cơ.. cũng được ủ thành phân hữu cơ. Nhờ việc tận dụng này mà mỗi năm trang trại chỉ tốn 50-70 triệu đồng mua phân hóa học hỗ trợ thêm cho việc trồng trọt. Chưa hết, theo bà Nguyễn Thị Thiên, tỉnh Bến Tre có sản lượng dừa, sầu riêng rất lớn nên doanh nghiệp của bà đang nghiên cứu để xử lý vỏ sầu riêng, vỏ dừa, tàu dừa thành than hoạt tính và giấm gỗ. Than hoạt tính và giấm gỗ sẽ giúp diệt trừ sâu bệnh trên dừa.
Có thể mang lại 4-5 tỷ USD/năm
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, tiềm năng chế biến, tái sử dụng của phụ phẩm nông nghiệp ở Việt Nam có thể mang lại giá trị đến 4-5 tỷ USD/năm, nhưng thực tế sử dụng mới có giá trị khoảng 275 triệu USD. Để ngành phụ phẩm nông nghiệp phát triển, Nhà nước cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp vào khâu thu gom, xử lý, chế biến; tập trung ưu tiên làm ra các sản phẩm có giá trị gia tăng. Phụ phẩm nông nghiệp có thể tạo giá trị cao hơn như vỏ sầu riêng, hạt xoài làm phân vi sinh; vỏ thanh long, vỏ chuối có thể làm chất tạo màu; mỡ cá tra làm thuốc hoặc nguyên liệu thức ăn trong chăn nuôi; vỏ cam, vỏ bưởi làm mứt...
Ngành nông nghiệp cần xác định phụ phẩm là đầu ra của nông nghiệp nhưng sẽ là đầu vào của lĩnh vực khác. “Bộ sẽ chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia xây dựng chương trình đạo tạo, hướng dẫn cho nông dân sử dụng nguyên liệu phụ phẩm một cách hiệu quả. Bộ NN-PTNT luôn khuyến khích các doanh nghiệp có ý tưởng, dự án triển khai sản xuất, tận dụng phụ phẩm nông sản”.
Ở góc độ khoa học và kinh doanh, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam ủng hộ chủ trương của Bộ NN-PTNT và góp ý thêm, để chế biến được phụ phẩm thành các sản phẩm hữu ích cần có nhiều ngành tham gia như công nghệ sinh học, cơ khí, hóa chất… với nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư, giảm thuế nhập khẩu máy móc, dây chuyền chế biến hiện đại; phải có sự kết hợp giữa doanh nghiệp với nông dân để triển khai mô hình theo cấp vùng, quốc gia để tận dụng được hết các phụ phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cần ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho từng lĩnh vực xử lý phụ phẩm nông nghiệp để khi xây dựng nhà máy xử lý phụ phẩm, doanh nghiệp đầu tư không gặp trở ngại trong các đánh giá về tác động môi trường. Nếu làm được tất cả các điều kiện trên, đến năm 2030, Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất và cung ứng phần lớn phân hữu cơ và nhiều sản phẩm khác cho thị trường trong nước; vừa giúp bảo vệ môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế từ hoạt động kinh doanh sản phẩm từ phụ phẩm nông nghiệp.
Bộ NN-PTNT vừa chỉ đạo Cục Chăn nuôi xây dựng dự thảo Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, trong đó có giải pháp quan trọng là tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp để chế biến thức ăn chăn nuôi. |