Sáng 9-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thảo luận về nội dung này và được truyền hình, phát thanh trực tiếp cho cử tri, nhân dân cả nước theo dõi. Nhiều ĐBQH cho biết, họ “buồn” khi đọc báo cáo của Chính phủ.
Báo cáo Chính phủ do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung cho hay, công tác bình đẳng giới đã đạt được nhiều tiến bộ trong thời gian qua. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm 2016 Việt Nam đứng thứ 65/144 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới (tăng 18 bậc so với năm 2015), thuộc nhóm nước có chỉ số trung bình.
Trong đó, các chỉ số xếp hạng liên quan tới sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục và tham chính đã có những chuyển biến tích cực. Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm sáng về bình đẳng giới trong thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs).
Tuy vậy, việc quán triệt, tổ chức triển khai công tác bình đẳng giới chưa nhận được sự quan tâm sâu sát, đầy đủ. Một số chỉ tiêu chưa hoàn thành như chỉ tiêu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 trên 35%. Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt 95% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ... thì đến nay ở cấp bộ đạt tỷ lệ 40%; ở cấp tỉnh chỉ đạt tỷ lệ 25,39%; cấp huyện, cấp xã cũng thấp, tức là vẫn còn khoảng cách lớn và khó có khả năng thực hiện chỉ tiêu này tại cấp địa phương.
Về việc làm, lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công hưởng lương thấp hơn so với lao động nam (nữ khoảng là 4,82 triệu đồng so với nam là 5,48 triệu đồng). Mặt khác, tình trạng sa thải lao động độ tuổi 35 trở lên, trong đó phần lớn là lao động nữ đang là một vấn đề trong thị trường lao động hiện nay, nhất là lao động nữ trong các khu công nghiệp chủ yếu do cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc.
“Vấn đề này đang được các cơ quan Chính phủ nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, khách quan, khoa học để sớm có những chính sách về quản lý lao động, giải quyết việc làm nhằm tránh những hệ lụy của tình trạng này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Ngoài ra, điều kiện sinh hoạt của lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là lao động nữ cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Hiện cả nước có 2,8 triệu lao động đang làm việc tại 324 khu công nghiệp, trong đó lao động nữ chiếm đa số. Phần lớn công nhân lao động đang phải sinh hoạt trong những khu nhà trọ với chỗ ở chật hẹp, điều kiện sinh hoạt khó khăn.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội thì vẫn còn sự khác biệt về giới trong cách tính lương hưu đối với lao động nam và nữ nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018, trong khi tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam giảm 2% (đối với người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 31 năm) thì lao động nữ giảm trong khoảng 2% đến 10% tùy thuộc vào thời gian đóng bảo hiểm xã hội (đối với người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 30 năm) so với người nghỉ hưu trước ngày 1-1-2018.
Như vậy, trong tổng số 22 chỉ tiêu của Chiến lược đề ra đến năm 2020, đến nay có 8 chỉ tiêu đã đạt và sẽ duy trì đạt vào năm 2020, 2 chỉ tiêu không đạt và một số chỉ tiêu đã được các bộ ngành, địa phương triển khai nhưng không có khả năng thu thập đầy đủ số liệu. Nhiều vấn đề nảy sinh có tác động, ảnh hưởng tiêu cực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong đời sống, việc làm, an sinh xã hội, nhất là tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục chưa được quan tâm, giải quyết kịp thời, gây bức xúc trong xã hội. T
rong số các nguyên nhân, Chính phủ đề cập đến tư tưởng trọng nam hơn nữ, hẹp hòi trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo đã tạo ra những rào cản không nhỏ cho phụ nữ để khẳng định bản thân trong công việc và cuộc sống…
Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đã đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, trong lĩnh vực chính trị, mặc dù các tỷ lệ có xu hướng tăng nhưng đều chưa đạt chỉ tiêu. Nhìn chung, số phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là cấp trưởng, so với nam giới còn khoảng cách rất xa, có lĩnh vực có biểu hiện giảm trong các năm gần đây. Phụ nữ vẫn chịu gánh nặng “kép” về công việc xã hội và chăm sóc gia đình.
Việt Nam là một trong các nước có tỷ lệ phá thai cao trên thế giới
Chính phủ cho rằng, chỉ tiêu giảm tỷ lệ phá thai xuống 25/100 trẻ đẻ sống vào năm 2020 đạt và vượt. Tỷ số ca phá thai của toàn quốc ước tính năm 2016 là 14/100 ca đẻ sống (giảm 2% so với năm 2015).
Mặc dù tỷ lệ này khá thấp so với yêu cầu đề ra của Chiến lược, nhưng thực tế cho thấy tình trạng phá thai quá phạm vi cho phép, phá thai chui vẫn diễn ra khá phổ biến ở các cơ sở y tế tư nhân.
Theo thống kê, tỷ lệ phá thai của người chưa thành niên trên tổng số ca phá thai toàn quốc năm 2016 là 2%. Đây là những con số được thống kê từ hệ thống y tế công, chưa thống kê được tỷ lệ này ở các cơ sở y tế tư nhân (theo đánh giá của các tổ chức quốc tế Việt Nam là một trong các nước có tỷ lệ phá thai cao trên thế giới).