Xu hướng của phụ nữ đô thị
Lấy chồng năm 27 tuổi, nhưng phải đến 3 năm sau, chị Hồ Mỹ Hạnh (35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) mới sinh con đầu lòng. Dù cha mẹ 2 bên nội ngoại thúc giục sinh con thứ 2 nhiều lần nhưng chị Hạnh cho biết, mình chưa nghĩ đến việc này. “Ông bà bảo tôi năm nay đã 35 tuổi rồi nên sinh con thứ 2 sớm, kẻo lớn tuổi khó sinh con, nhưng hiện giờ chồng tôi làm ăn thất bại, kinh tế còn khó khăn, tôi vẫn chưa nghĩ đến việc sinh con, chắc phải chờ vài năm để vực lại mọi thứ mới dám nghĩ đến việc sinh con thứ 2” - chị Hạnh chia sẻ. Về độ tuổi sinh con, chị Hạnh cho rằng, hiện giờ khoa học kỹ thuật hiện đại nên dù sinh con sau tuổi 35 cũng là điều bình thường, không có gì đáng lo ngại.
Không gặp khó khăn về kinh tế nhưng mãi đến năm 38 tuổi, chị Lý Minh Nguyệt (ngụ quận 5) mới lần đầu làm mẹ sau nhiều lần thụ tinh ống nghiệm. Hành trình tìm kiếm niềm hạnh phúc làm mẹ của chị Nguyệt không được suôn sẻ như nhiều người phụ nữ khác. “Vì mải mê với công việc nên tôi kết hôn khá muộn, đến khi muốn có con thì lại khó khăn. Phải sau 3 lần thụ tinh ống nghiệm tôi mới có thể mang thai, nhưng vì lớn tuổi, cơ thể yếu nên suốt 9 tháng mang thai tôi gần như phải nằm yên một chỗ” - chị Nguyệt kể. Những vất vả, khổ cực của lần sinh con đầu tiên khiến chị Nguyệt không dám nghĩ đến việc sinh con thứ 2.
Thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, tổng tỷ suất sinh ở TPHCM hiện nay chỉ đạt 1,33 con/phụ nữ - thấp hơn rất nhiều so với mức sinh thay thế của cả nước. Trong khi đó, theo nhận xét của PGS-TS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng Khoa Sản bệnh, BV Hùng Vương, độ tuổi mang thai của phụ nữ đang ngày càng cao lên, nhất là tại các đô thị lớn như TPHCM. Phân tích nguyên nhân, bác sĩ Khánh Trang cho rằng, phụ nữ ở các đô thị lớn ngày nay bị ảnh hưởng bởi lối sống của các nước phương Tây, họ có những đòi hỏi nhất định trong việc khẳng định mình trong công việc và độc lập về kinh tế. Thực tế, độ tuổi từ 25-40 là giai đoạn tích lũy nghề nghiệp và tài chính của cả nam lẫn nữ, do đó, phụ nữ kết hôn muộn và sinh con khi đã lớn tuổi cũng ngày càng phổ biến.
Nên sinh con trước tuổi 35
Ở góc độ y khoa, TS-BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, 1 bé gái từ khi sinh ra đến khi kết thúc kinh nguyệt có khoảng 300.000 noãn nang, số lượng noãn nang này được sử dụng ngay khi dậy thì tới thời điểm mãn kinh và không sản sinh ra thêm. Trong tất cả 300.000 noãn nang chất lượng không đồng đều, không phải noãn nang nào cũng phát triển thành trứng. Cứ mỗi tháng, có một hoặc nhiều noãn nang trưởng thành trở thành trứng và rụng xuống, có thể tạo thành phôi thai nếu được kết hợp với tinh trùng.
Song, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi cũng lưu ý, chất lượng của các noãn nang sẽ bị giảm đi theo thời gian. Cụ thể, ở độ tuổi từ 35 trở đi, chất lượng noãn không còn như trước và cơ hội thụ thai khá thấp. “Phụ nữ từ 35-40 tuổi, số lượng noãn, chất lượng noãn cũng đã kém đi và đây cũng là thời điểm các bệnh mãn tính đã bắt đầu xuất hiện, gây nguy hiểm cho cả bà mẹ và em bé nếu mang thai ở độ tuổi này”, bác sĩ Mỹ Nhi chia sẻ.
Phân tích thêm về vấn đề này, bác sĩ Mỹ Nhi cho rằng, hiện nay bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp có chiều hướng gia tăng và ảnh hưởng lớn đến người mẹ khi mang thai. Phụ nữ mắc hai bệnh nền này khó có thai, nếu có thai cũng tiềm ẩn các nguy cơ như: tiền sản giật, thai lưu, thai tử vong ngay khi vừa chào đời, dị tật bẩm sinh; trong khi người mẹ có thể bị xuất huyết não, tai biến mạch máu não và nặng nhất có thể tử vong. “Độ tuổi vàng để thực hiện sinh sản thường dưới 35 tuổi, lúc này chất lượng noãn nang còn tốt, số lượng noãn nang cũng nhiều, cơ hội mang thai cao hơn và người mẹ cũng ít mắc bệnh nền, sức khỏe tốt để vừa lao động vừa chăm con một cách tốt nhất” - bác sĩ Mỹ Nhi khuyến cáo.
Đồng tình với quan điểm này, PGS-TS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang cho rằng, mang thai và sinh đẻ được ví như “cuộc chạy đua marathon” của phụ nữ, càng ở độ tuổi sung sức, khỏe mạnh nhất thì chất lượng của thai cũng tốt nhất. Và độ tuổi từ 25-35 được xem là “thời gian vàng” để người phụ nữ sinh đẻ, bởi đây là thời điểm sức khỏe của người phụ nữ sung sức nhất, chất lượng trứng cũng tốt nhất. Còn sau tuổi 35, các vấn đề sức khỏe của phụ nữ khiến cho chất lượng thai nhi giảm đáng kể. Đơn cử, tỷ lệ sẩy thai, thai nhi bị dị tật ở phụ nữ mang thai sau 35 tuổi cao gấp 4-5 lần so với ở độ tuổi từ 25-30.
Bên cạnh đó, phụ nữ lớn tuổi mang thai cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác. “Một phụ nữ 25 tuổi mang thai lỡ bị tiền sản giật cũng có thể vượt qua dễ dàng hơn là một phụ nữ 38 tuổi cũng bị bệnh lý này. Do đó, trong điều kiện lý tưởng nhất, phụ nữ nên sinh con đầu lòng ở độ tuổi 30 và sinh con thứ 2 sau 5 năm, tức vào năm 35 tuổi, không nên sinh con muộn hơn ở độ tuổi này nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất cũng như an toàn nhất cho cả bà mẹ lẫn thai nhi” - bác sĩ Khánh Trang khuyến cáo.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” nhằm mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu chính quyền địa phương ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Trong đó, thí điểm hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình như phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sớm sinh con; phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi... |