Chương trình do NXB Trẻ tổ chức nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, mong muốn cùng độc giả tìm ra một thái độ tích cực nhất để tìm thấy điều mình cần phải làm, để tự tin sống khỏe - đẹp - hạnh phúc.
Cả 3 tác giả trong chương trình đều là những người đi nhiều, viết nhiều, đều có ý thức để làm những điều có ích cho cộng đồng. Đó là nhà văn Võ Diệu Thanh, hiện đang viết văn và dạy học ở An Giang. Chị là một trong những nhà văn nữ có sức viết mạnh mẽ nhất hiện nay. Bắt đầu viết văn từ năm 18 tuổi, đến nay chị là tác giả của nhiều tập truyện như: Con nước say mềm, 17 cây số đường ma, Gạt nước mắt đi và tác phẩm từng đoạt giải Văn học tuổi 20 là Cô con gái ngỗ ngược; cùng nhiều giải thưởng văn học lớn nhỏ trong suốt quá trình viết văn của mình.
Nhà báo Ann Lee là tác giả của nhiều tập tản văn ăn khách như Tuổi 40 yêu dấu, Vẫn yêu, Ăn và yêu và ăn và yêu, Chỉ cần yêu thôi là đủ. Còn cây bút ẩm thực Pha Lê, tốt nghiệp Đại học Brunel (Vương quốc Anh), lấy bằng thượng cấp Grand Diploma của trường ẩm thực Le Cordon Bleu danh giá. Cô cũng là tác giả của Ăn gì cho không độc hại, được tái bản nhiều lần bởi nội dung hết sức thiết thực, hữu ích cùng cách truyền tải hài hước, thân thiện và dễ hiểu.
Bên cạnh thực phẩm thì cách chế biến, cách nấu cũng quan trọng để làm nên những bữa ăn chất lượng. Tác giả Ann Lee cho rằng, ăn và yêu là hai hoạt động chính của nhiều người, không riêng gì phụ nữ. Nhưng phụ nữ lại chú tâm nhiều hơn nam giới hoặc người già và trẻ em. Bởi vì phụ nữ là nội tướng của gia đình, đa phần phụ nữ sẽ quyết định trong nhà ăn gì.
Chị chia sẻ: “Với tôi, căn bếp là nơi vô cùng quan trọng, không đơn thuần chỉ là nơi để nấu ăn bình thường. Tôi rất thích một câu nói: “Bếp là trái tim của ngôi nhà”. Đó là nơi mà bạn nấu tất cả những món ăn dành cho các thành viên trong gia đình. Bạn có thể ở phòng tắm, phòng khách, phòng ngủ nhưng hoạt động ở trong bếp gắn kết nhiều người nhất”.
Tác giả của Tuổi 40 yêu dấu bày tỏ: “Có người cảm thấy được đi mua sắm, mua hàng hiệu, dùng những món đồ xa xỉ là vui, là mục đích của cuộc sống thì họ sẽ thấy việc đọc một cuốn sách, vào bếp nấu ăn là chuyện phi lý. Ngược lại, có người cảm thấy được đọc một cuốn sách, nghe một bản nhạc, xem một bộ phim hay mới là hạnh phúc. Vậy nên, hạnh phúc hay vui vẻ, có ý nghĩa hay không là do bản thân mình quyết định và nghĩ về nó như thế nào”.
Nhà văn Võ Diệu Thanh đồng tình với quan điểm của tác giả Ann Lee, tuy nhiên chị cũng lưu ý rằng, nhiều khi chúng ta đang nhầm lẫn hạnh phúc là sự thỏa mãn một cơn nghiện nào đó. Chị lý giải: “Sự gây nghiện làm mình thỏa mãn nhưng nó lại vắt kiệt sức mình cho sự thỏa mãn đó. Bởi vì chúng ta sẽ phải làm liên tục, khi buông ra là chúng ta không còn cảm thấy thỏa mãn, không hạnh phúc. Chỉ khi nào mình đang thực hiện một việc gì đó mình mới hạnh phúc. Như vậy, mình cứ làm cho đến lúc ngã quỵ, đó là con đường đi đến hạnh phúc nhưng thực chất không phải là hạnh phúc”.
Ngoài ra, chị cũng chia sẻ thêm: “Thực ra, khi yêu là chúng ta có đầy đủ các cung bậc tình cảm, chứ không hẳn chỉ yêu thôi là đủ đâu. Có một điều mà tôi luôn nói với phụ nữ, yêu chính mình là cách yêu khôn ngoan nhất. Bạn yêu ai thì cũng phải chừa một chỗ cho bản thân mình, đừng “đặt hết trứng vào giỏ”. Có như vậy, khi tình yêu mà bạn dành cho người ta bị phai nhạt, hay sứt mẻ, không như bạn mong muốn sẽ không khiến bạn sụp đổ hay quỵ ngã”.
Cũng nhân dịp này, nhà văn Võ Diệu Thanh còn ra mắt bạn đọc tiểu thuyết Viên đạn lên trời do NXB Trẻ ấn hành. Đây là tiểu thuyết thứ hai của chị sau Lần đầu thấy trăng được xuất bản vào năm 2013. Nhà văn Võ Diệu Thanh cho biết, mỗi một cuốn sách đều được viết bằng cảm hứng vì chị không thích lặp lại: “Nếu cuốn này là truyện ngắn thì cuốn sau tôi sẽ viết tiểu thuyết, tản văn, truyện thiếu nhi hoặc quay lại truyện ngắn. Sự thay đổi đó giúp tôi tránh được cảm giác nhàm chán”.