Phụ nữ lúc nào trong tà áo dài cũng dịu dàng hơn

Tháng Áo dài Hà Nội năm 2024 là cơ hội để tôn vinh vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời là dịp để chúng ta tôn vinh vẻ đẹp của chiếc áo dài và cơ hội để cùng nhau thể hiện tình yêu, sự đoàn kết, trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Một tiết mục trình diễn áo dài tại lễ phát động
Một tiết mục trình diễn áo dài tại lễ phát động

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 – 10-10-2024) và hưởng ứng Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm 2024 do UBND TP Hà Nội tổ chức, ngày 1-10, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội tổ chức chương trình phát động Tháng Áo dài Hà Nội năm 2024.

Chia sẻ tại chương trình, bà Phạm Thị Mỹ Hoa Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội, nêu rõ áo dài từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa, biểu tượng của sự thanh lịch, kín đáo và dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam. Dù thời gian có thay đổi, dù xã hội có phát triển, nhưng chiếc áo dài vẫn luôn giữ được chỗ đứng vững chắc trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Đặc biệt trong thời kỳ hiện đại, khi đất nước hội nhập quốc tế, áo dài vẫn giữ được nét đẹp truyền thống nhưng đồng thời cũng được cách tân, biến hóa để phù hợp với xu hướng thời trang toàn cầu. Áo dài không chỉ xuất hiện trong những dịp lễ hội truyền thống mà còn trở thành trang phục yêu thích của phụ nữ trong các sự kiện quốc tế, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

22.jpg
Phát động Tháng Áo dài Hà Nội năm 2024

Tháng Áo dài Hà Nội năm 2024 là cơ hội để tôn vinh vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời là dịp để chúng ta tôn vinh vẻ đẹp của chiếc áo dài và cơ hội để cùng nhau thể hiện tình yêu, sự đoàn kết, trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Hội LHPN TP Hà Nội kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội và doanh nghiệp; các học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố đồng loạt mặc áo dài vào ngày thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần; khuyến khích cán bộ, hội viên, phụ nữ mặc áo dài trong các hoạt động kỷ niệm, chương trình, sự kiện quan trọng của đơn vị.

"Đây sẽ là một hành động thiết thực để chúng ta cùng nhau giữ gìn, phát huy và lan tỏa giá trị của chiếc áo dài truyền thống", Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội nhấn mạnh.

1.jpg

Tự hào khoác lên mình bộ áo dài truyền thống khi tham gia lễ phát động, bà Đào Thị Bích Hường, thành viên Hiệp hội nữ doanh nhân Hà Nội, chia sẻ: "Tôi thấy nếu lúc nào phụ nữ trong tà áo dài cũng dịu dàng hơn và bản thân tôi đi bất cứ đâu, tôi khoác lên mình trang phục áo dài vì đó là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam. Tháng áo dài, tôi dự định mỗi buổi sáng bước chân ra đường tôi sẽ mặc áo dài. Chiều thứ 7 hàng tuần, tôi cùng bạn bè và nhóm anh chị em yêu nhiếp ảnh mang theo áo dài, nhất là trong tiết thu Hà Nội như thế này những con đường như Phan Đình Phùng, Thanh niên, Hồ Gươm đều là những con đường đẹp để thoải mái tạo dáng cùng những tà áo dài".

a.jpeg

Nhân dịp này cũng đã diễn ra buổi giới thiệu bộ sưu tập “Hà Nội những sắc hoa” của nghệ nhân Năm Tuyền qua trình diễn của hội viên phụ nữ Thủ đô; bộ sưu tập “Mùa hạnh phúc” của nhà thiết kế Đỗ Tiên, trình diễn bởi Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam thành phố Hà Nội.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức tọa đàm “Áo dài truyền thống - Giá trị văn hóa, bảo tồn và phát triển trong bối cảnh đương đại”.

Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân chia sẻ về nhận diện áo dài truyền thống; lịch sử và sự phát triển của áo dài; những biến đổi trong may, mặc áo dài trong đời sống hiện nay cũng như những kinh nghiệm và giải pháp để bảo tồn và phát triển áo dài truyền thống.

Tin cùng chuyên mục