Ngày 21-1, trước thềm Diễn đàn Kinh tế thế giới 2019 (dự kiến diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ, từ ngày 22 đến ngày 25-1), Oxfam công bố báo cáo tại Davos về “Lợi ích Công hay Tài sản tư”, chỉ ra sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong kinh tế, xã hội và giới.
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn đang hủy hoại cuộc chiến chống nghèo đói, gây tổn thất cho nền kinh tế cũng như châm ngòi cho làn sóng chống bất bình đẳng diễn ra trên toàn cầu.
Bùng nổ tỷ phú, tài sản đang bị tập trung hóa
Theo nghiên cứu của Oxfam, tài sản của những người giàu nhất đã tăng lên đột biến. Trong vòng 10 năm sau khủng hoảng kinh tế, số lượng tỷ phú tăng gần gấp đôi. Tài sản của các tỷ phú trên thế giới tăng 900 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2018, tức là 2,5 tỷ USD/ngày. Khối tài sản của nhóm tỷ phú đã tăng 12% vào năm 2018, trong khi 3,8 tỷ người thuộc nửa nghèo nhất của nhân loại phải chứng kiến tài sản của mình sụt đi 11%.
Tỷ phú hiện giờ có nhiều tài sản hơn bao giờ hết. Trong hai năm 2017-2018, cứ hai ngày lại có thêm 1 tỷ phú USD. Tài sản bị tập trung hoá hơn: năm 2018, 26 người giàu nhất sở hữu lượng tài sản bằng toàn bộ nửa nghèo nhất của nhân loại (tức 3,8 tỷ người); trong khi, trước đó, năm 2017, cần đến 43 người giàu nhất mới ôm trọn lượng tài sản tương đương với tài sản của một nửa nhân loại.
Trong khi tài sản của những người giàu nhất thế giới tăng chóng mặt thì họ lại chỉ đóng góp mức thuế thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Tình trạng tương tự đối với các công ty mà họ sở hữu. Tài sản bị đánh thuế đặc biệt thấp: trong mỗi USD tiền thuế, chỉ có 4 cent là thuế tài sản. Giới siêu giàu đang che giấu khoảng 7.600 tỷ USD tài sản khỏi các cơ quan thuế. Các công ty cũng giấu một lượng tài sản lớn ở nước ngoài. Việc này khiến các nước đang phát triển bị thâm hụt 170 tỷ USD/năm.
Phụ nữ làm nhiều việc không công
Bất bình đẳng kinh tế gắn liền với bất bình đẳng giới. Sự chia rẽ kinh tế vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của bất bình đẳng giới. Đất nước nào bất bình đẳng kinh tế cao thì bất bình đẳng giới cũng nặng nề hơn. Hầu hết những người giàu nhất thế giới là đàn ông. Trên phạm vi toàn cầu, phụ nữ có thu nhập kém hơn nam giới 23% và đàn ông sở hữu lượng tài sản nhiều hơn 50% so với phụ nữ.
Quan trọng hơn cả, sự thịnh vượng về mặt kinh tế của toàn cầu lệ thuộc vào sự đóng góp khổng lồ nhưng không được ghi nhận của nữ giới từ những công việc chăm sóc không được trả lương của họ. Có đến 16,4 tỷ giờ lao động chăm sóc gia đình của phụ nữ không được trả lương. Nếu tất cả công việc chăm sóc không được trả lương của phụ nữ trên thế giới do một công ty thực hiện thì công ty này sẽ có doanh thu hàng năm là 10.000 tỷ USD, gấp 43 lần doanh thu của tập đoàn Apple.
Nếu tất cả công việc chăm sóc không được trả lương của phụ nữ trên thế giới do một công ty thực hiện thì công ty này sẽ có doanh thu hàng năm là 10.000 tỷ USD, gấp 43 lần doanh thu của tập đoàn Apple. |
Ở Kenya, cứ 3 cậu bé sinh ra trong gia đình giàu thì có một người được học cao hơn bậc trung học. Trong khi đó, tỷ lệ này là 1/1.250 với một cô bé sinh ra trong gia đình nghèo. Một đứa trẻ đến từ một gia đình giàu tại Kenya trung bình nhận được gấp đôi mức độ giáo dục so với một đứa trẻ tới từ một gia đình nghèo. Biết bao bác sĩ, giáo viên và nhà kinh doanh xuất sắc trong tương lai rốt cuộc phải chăn dê hoặc đi lấy nước.
Theo Oxfam, nhân loại đang đối diện với những thách thức chưa từng có, nhưng thay vì sử dụng tài năng của tất cả mọi người, chúng ta lại lãng phí nốt triển vọng này vì bất bình đẳng.
Để thu hẹp khoảng cách giữa giới siêu giàu và những người bình thường, Oxfam khuyến nghị, y tế, giáo dục và các dịch vụ công khác cần được cung cấp phổ quát, miễn phí, phù hợp với phụ nữ và trẻ em gái. Cần cung cấp lương hưu, phúc lợi cho trẻ em và các dạng bảo trợ xã hội khác cho tất cả mọi người.
Đồng thời, cần giải phóng phụ nữ khỏi hàng triệu giờ lao động chăm sóc gia đình mỗi ngày nhưng không được trả lương. Cần đầu tư vào các dịch vụ công, bao gồm điện, nước và trông giữ trẻ, để giảm thời gian làm việc không được trả lương.
Oxfam cũng cho rằng phải chấm dứt việc đánh thuế thấp đối với những cá nhân và doanh nghiệp giàu. Cần đánh thuế tài sản và vốn ở mức công bằng hơn. Bằng cách đánh thuế tài sản công bằng hơn, chúng ta sẽ có đủ tiền trên phạm vi toàn cầu để đảm bảo mọi trẻ em được tới trường, và không ai rơi vào cảnh phá sản vì không có tiền điều trị y tế cho gia đình.
Bài học để giảm nghèo, theo Oxfam, là phải giảm bất bình đẳng. Cái giá phải trả về mặt con người cho sự bất bình đẳng là vô cùng nghiêm trọng: 262 triệu trẻ em không được tới trường; gần 10.000 người chết vì không được tiếp cận chăm sóc y tế… Nếu không tìm cách giải quyết vấn đề đánh thuế thấp đối với những người thừa khả năng chi trả thì khủng hoảng bất bình đẳng sẽ tiếp tục nằm ngoài kiểm soát và chúng ta không thể thoát được nghèo.
Cuộc sống cũng bị rút ngắn vì… nghèo Theo Oxfam, ở hầu hết mọi quốc gia, cả phát triển và đang phát triển, có tiền đồng nghĩa với việc có một tấm hộ chiếu đảm bảo sức khoẻ tốt hơn và sống lâu hơn. Trong khi đó, nghèo đồng nghĩa với việc đau ốm nhiều hơn và đến gần với cái chết hơn. Ở Nepal, một đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo có nguy cơ chết trước khi được 5 tuổi cao gấp 3 lần so với một đứa trẻ sinh ra trong gia đình giàu. Ở Ấn Độ, tuổi thọ của phụ nữ thuộc cái gọi là “đẳng cấp thấp” thường ngắn hơn 15 năm so với phụ nữ thuộc cái gọi là “đẳng cấp cao”. Tuổi thọ trung bình ở một trong những khu dân cư nghèo nhất London (Anh) ngắn hơn 6 năm so với một trong những khu giàu nhất, chỉ cách đó vài dặm. Tuổi thọ trung bình ở những vùng giàu nhất Sao Paulo (Brazil) là 79 tuổi, trong khi ở các vùng nghèo cùng thành phố này là 54 tuổi. “Thật khó có thể tưởng tượng được một sự bất công nào lớn hơn việc bạn bị rút ngắn 20 năm cuộc đời chỉ vì nghèo. Thật là vô lý khi tài sản cứ tích tụ vào một vài cá nhân, trong khi nguồn lực đáng ra phải dùng để hỗ trợ toàn bộ nhân loại”, báo cáo của Oxfam nhận xét. |