Phụ nữ làm du lịch
Những người phụ nữ chân lấm tay bùn, quen với việc đồng áng, nhờ nỗ lực, học hỏi, tìm tòi, các chị đã trở thành những hướng dẫn viên du lịch, chở khách đi tham quan, phát triển ngành công nghiệp “không khói” tại quê hương.
Ở thôn Thuận Phước (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), các chị em tích cực tham gia Tổ du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái. Các chị phụ trách nhiều công việc như chèo ghe chở khách tham quan rừng ngập mặn, trải nghiệm ẩm thực, hướng dẫn viên, kể cả trình diễn hát bả trạo.
Chị Phùng Thị Bưởi (thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận) tham gia đội chèo ghe dẫn khách tham quan rừng ngập mặn Bàu Cá Cái cho biết: “Từ khi có du lịch ở đây, người dân thôn quê rất phấn khởi. Mỗi ngày, tôi chèo ghe được 1-2 chuyến, những ngày tết, nghỉ lễ thì chở được 6-7 chuyến/ngày, mỗi chuyến đi khoảng 1 tiếng, có đoàn khách đi chụp ảnh nhiều thì lâu hơn. Nhiều du khách rất thích thú khi vừa chèo ghe vừa thả lưới đánh cá”. Nhờ tham gia vào đội chèo ghe, chị Bưởi có nguồn thu nhập từ 150.000-400.000 đồng/ngày, tùy số chuyến.
Chị Bưởi trồng sào lúa, ban đêm đi làm công nhân ở các nhà máy. Nguồn thu nhập từ du lịch tại quê nhà đã phụ thêm các khoản kinh tế gia đình. Chị cho biết: “Tôi có 3 đứa con, ngoài đứa lớn nhất đã đi làm thì còn 2 đứa nhỏ, 1 đứa đang học Đại học và em nhỏ mới lớp 5”.
Tương tự, chị Huỳnh Thị Kim Phượng (thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận) cũng tham gia đội chèo ghe. Chị Phượng cho biết: “Ở vùng quê này rất khó khăn, không có kênh mương thủy lợi nên lúa chỉ làm 1-2 vụ, còn lại bỏ hoang, nhờ có du lịch, khách đến đông hơn, tôi kiếm thêm nguồn thu nhập khá, cao điểm đến 500.000-600.000 đồng/ngày. Bình thường khách ít thì tôi lại ra đồng làm ruộng, đi làm công nhân ở công ty trong Khu Kinh tế Dung Quất”.
Chị Dương Thị Kim Liên, Phó Ban đại diện Tổ du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái, cho biết: “Tổ du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái có 21 thành viên, trong đó có 9 thành viên là nữ. Các chị em rất năng nổ tham gia vận động nhân dân, đóng góp xây dựng công trình cơ bản, kết nối tour du lịch, tổ chức nấu ăn, chèo ghe. Từ du lịch, thu nhập các chị em trong tổ trung bình từ 150.000-200.000 đồng/ngày”.
Theo chị Liên, Bàu Cá Cái là hệ sinh thái rừng ngập mặn có hình dạng như cái chảo, bao bọc bởi dãy đồi, núi và động cát ven biển. Khu vực tách biệt với bên ngoài nên hiếm người biết đến. Xác định mũi nhọn phát triển du lịch địa phương, năm 2024, xã Bình Thuận đã chọn là “Năm du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái”, khu du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái do cộng đồng dân cư thôn Thuận Phước tổ chức vận hành khai thác.
Mạnh dạn khởi nghiệp
Nắm bắt xu hướng ngành hàng thủ công (handmade), chị Nguyễn Phương Quyên (xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) khởi nghiệp từ niềm đam mê với móc len để sáng tạo các sản phẩm hoa, kẹp tóc, búp bê, quần áo và giày dép từ những cuộn len đủ màu sắc.
Chị Quyên cho biết: “Từ năm 2015, tôi bắt đầu học móc len từ người em trong gia đình. Lúc đó, tôi vừa đi làm ở công ty, thời gian rảnh ngồi tự làm móc len những vật dụng đơn giản như kẹp tóc, mũ, giày em bé… Càng làm tôi càng say mê với những cuộn len và có nhiều người biết đến, tìm mua những sản phẩm. Lâu dần, tôi mạnh dạn nghỉ việc công ty để khởi nghiệp với đam mê của mình”.
Những sản phẩm của chị Quyên chủ yếu phục vụ cho phụ nữ, trẻ em, đồ trang trí, lưu niệm… Chị Quyên bán sản phẩm trên trang mạng xã hội, gian hàng thương mại điện tử và nhiều khách hàng sỉ, lẻ các nơi tìm đến đặt hàng chị Quyên.
Trung bình mỗi tháng, chị xuất bán hơn 1.000 sản phẩm, mang về nguồn thu nhập cho chị Quyên và những người tham gia móc len cùng. Chị cho biết, bình thường có 2 người thợ chính hỗ trợ chị hoàn thành các đơn hàng trong tháng. Cao điểm có thể cần 10 người. Sau khi trừ các chi phí và công cho thợ, chị lãi 6-7 triệu đồng/tháng.
Không chỉ phát triển đam mê, ngày càng nhiều phụ nữ quyết định khởi nghiệp từ nông nghiệp, chị Nguyễn Thị Hoàng Thơ (xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) làm giàu từ mô hình trồng nấm bào ngư xám. Năm 2022, gia đình chị Thơ đầu tư hơn 2 tỷ mở trại nấm trên 1.000m2, chia làm 6 nhà trồng với hơn 30.000 phôi nấm.
Theo chị Thơ, mỗi phôi nấm cho thu hoạch từ 8-9 lần, một lần từ 200-250g nấm. Mỗi tháng thu hoạch 2 đợt vào ngày mùng 1 và 15 (âm lịch). Mỗi đợt thu hoạch từ 700-800 kg nấm. Giá bán từ 50.000-55.000 đồng/kg, nấm được tiêu thụ trong địa bàn tỉnh và được các thương lái ở chợ đầu mối đặt hàng. Đồng thời, trại nấm của chị Thơ cũng tạo việc làm cho 6 phụ nữ ở địa phương, với mức thu nhập từ 4,5- 5 triệu đồng/tháng.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp hay mở hướng phát triển kinh tế từ du lịch, phụ nữ đã và đang góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, qua đó, nâng cao mức sống hộ gia đình.