1. Rồi chị kể, hồi mùa dịch, lúc ba mẹ con mắc Covid-19, ở yên trong nhà không dám đi đâu. Chỉ còn mình anh chồng đi làm trong tình trạng báo cáo đang là F1 để công ty sắp xếp. Mỗi sáng, anh vẫn hồn nhiên mua đúng một phần ăn của mình, ngồi ăn xong rồi mới đến chỗ làm. Chẳng đoái hoài xem ba mẹ con ăn uống sao.
Dịp tết vừa rồi cũng vậy, mới sáng mùng 2, quay qua quay lại không thấy chồng đâu. Chị gọi điện, anh nói đang trên xe về quê chơi với bạn. Lúc đến chúc tết gia đình bạn thân, bạn nói xe còn chỗ trống, rồi rủ về cùng cho vui, thế là về luôn. Ba mẹ con đành ăn tết với nhau chứ biết sao.
Có lần bố bị tai nạn được người ta đưa vào bệnh viện, gọi cho chị. Chị tất tả bỏ hết mọi thứ, chạy vào với bố. Hôm đó, chị chỉ kịp gọi báo anh chiều về ghé đón con. Tan giờ làm, anh mới ớ ra, không biết con học trường nào, địa chỉ trường số mấy, gọi chị thì máy hết pin không liên lạc được.
Mãi thật muộn anh mới có thông tin để đến đón con, nhưng lúc đến nơi, không thấy bé Na đâu. Cũng may hôm ấy con bé đứng trước cổng trường chờ đến tối, được người quen cũng là phụ huynh có con cùng trường nhà ở gần đó đón về, nếu chẳng may vào tay kẻ xấu, chị rùng mình không dám nghĩ tiếp. Chị nói: “Đấy, con gái học trường nào, mấy tuổi, anh ấy còn chẳng nhớ, đừng trông mong gì những việc khác”.
“Việc khác” ở đây là nhớ tới những dịp như sinh nhật, ngày lễ dành cho phụ nữ… Lấy nhau gần chục năm, chị chưa một lần chụp ảnh khoe quà chồng tặng, dù chỉ là một bông hoa. Chồng chị đến sinh nhật vợ ngày nào cũng không biết. Có năm đồng nghiệp mang bánh đến nhà tặng, anh mới ớ ra hôm nay sinh nhật vợ. Nhưng vẫn tỉnh queo ôm bóng ra sân với bạn bè, sau đó nhậu cho trọn “combo” mới về.
2. Chị nói sống với nhau hai mặt con, trải nghiệm biết bao cay đắng nên đâu có dễ vui buồn những chuyện tủn mủn mưa nắng nữa. Nhưng thỉnh thoảng có cơn sóng trong lòng trỗi dậy những nỗi tủi hờn. Chị cũng như bao người phụ nữ khác, dù ở tuổi nào đi nữa vẫn thích nhận quà. Mà quà của chồng lại càng quý hơn. Món quà không nằm ở vật chất mà thể hiện sự quan tâm. Nó như một “tài khoản yêu thương” mà người kia ký gửi vào, theo thời gian chung sống sẽ càng nhiều lên, sợi dây tình cảm vợ chồng cũng thắt chặt hơn.
Hơn nữa, kinh tế gia đình giờ cũng ổn định hơn trước. Tiền bạc anh giữ lại xài mỗi tháng cũng xông xênh chứ chẳng eo hẹp gì thì tiếc gì bông hoa, cái bánh chỉ cần ra đường là mua được. Hay thực tế hơn, người chồng có thể đỡ đần việc bếp núc cho vợ những dịp đặc biệt, bằng cách nấu ăn hoặc đi ăn nhà hàng. Coi như là cái cớ để người thương mình được nghỉ ngơi, mà tình cảm càng thắt chặt, có khó khăn gì đâu?
Một lần tôi hỏi chị, hẳn là anh ấy phải có ưu điểm gì đó để cuộc hôn nhân tồn tại vững bền chứ? Chị nói vì chị vẫn hy vọng anh sẽ thay đổi. Rồi chị hỏi lại tôi: “Chị như vậy có là rẻ rúng đời mình quá không?”. Người chị lớn trong gia đình tôi cũng đã trải qua không ít khổ cực của thân phận phụ nữ, nhẹ nhàng bảo: “Cuộc sống là như vậy mà, không khác đi được”.
“Không khác đi được” nhưng phụ nữ nếu như cập nhằm “bến đục”, liệu có cách nào thay đổi số phận không?
3. Như một sự thức tỉnh trong hành trình tâm linh mà có lần tôi nghe sư thầy giảng, là cả quá trình. Mỗi người sẽ tự tìm đường đi cho riêng mình, chứ không có công thức chung cho mọi người. Và càng không thể làm theo sự bảo ban, khuyên răn của ai khác. Hơn hết, chính mình phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình trước, bằng cách, tập yêu thương lại chính bản thân mình.
Bẵng đi một thời gian, tôi mới gọi video cho chị. Trong màn hình điện thoại, chị đang mồ hôi nhễ nhại tập yoga ở trong phòng. Khoác lớp khăn lên người, chị đi ra vườn ngồi nói chuyện điện thoại với tôi. Tôi nghe cả thanh âm từ chị cũng tốt lên hẳn, không còn ủ rũ nữa.
Tôi muốn biết “cuộc cách mạng” nào đã làm nên sự thay đổi ngoạn mục như vậy. Thật bất ngờ, chị nói thay đổi từ chính chị. Thay vì tập trung vào những điều không như ý từ chồng, chị phớt lờ đi. Chị tìm ra những ưu điểm của anh ấy, hướng tâm tới niềm tin anh ấy là người chồng, người cha tốt. Khi đó mới nhận ra, những điều chưa hoàn hảo ở con người anh ấy cũng bình thường thôi. Vì ngoài điều đó, anh sống hiền lành, lương thiện và thương người.
Lần đầu tôi thấy chị nói như một chuyên gia tâm lý: “Hạnh phúc không cần phải mặc cả, nếu chồng không phải người đàn ông tâm lý, rồi mình mất hạnh phúc ư? Mình vẫn có thể chọn niềm hạnh phúc khác, đôi khi chỉ đơn giản là thức giấc thấy giàn hoa giấy trước nhà nở quá đẹp; tách trà thơm trong bữa sáng lành mạnh hoặc khoảnh khắc nhận ra mình đang may mắn hơn biết bao nhiêu người, khi vẫn ngồi đây trong bình yên. Vậy nên hãy chọn sống vui từng phút giây mà đời ban tặng cho mình”.
“Nếu mình không nâng niu, trân trọng bản thân thì ai sẽ làm điều đó cho mình? Nếu thấy quá khổ, bản thân họ sẽ tìm cách thoát khổ. Còn nếu thấy khả năng vẫn chịu đựng được, họ để vậy, bước tiếp”, tôi cũng chỉ biết nói với chị như vậy.