Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa phối hợp cùng Sandoz Việt Nam tổ chức chương trình tư vấn Hành trình xương khỏe mỗi ngày với chủ đề “Khỏe đẹp để hạnh phúc hơn”. Chương trình nhằm hưởng ứng ngày Loãng xương thế giới, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương, đặc biệt là ở phụ nữ.
Theo TS-BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, loãng xương là một bệnh diễn tiến thầm lặng, không có triệu chứng cho đến khi người bệnh bị gãy xương.
Một số trường hợp, người bệnh bị gãy xương rồi mới biết mình bị loãng xương. Tỷ lệ mắc loãng xương ở người trên 50 tuổi từ 6-8% ở nam giới và từ 20-25% ở nữ giới. Tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc loãng xương càng gia tăng. Ước tính toàn thế giới có trên 500 triệu người bị loãng xương.
Ở Việt Nam, con số này khoảng 3,6 triệu người và đang tăng dần qua các năm. “Loãng xương là bệnh lý điều trị được, vì vậy việc phòng ngừa, chẩn đoán sớm đóng vai trò quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng nguy hiểm”, TS-BS Cao Thanh Ngọc thông tin.
Về mặt sản phụ khoa, BSCKII Bùi Thị Phương Loan, Khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, có khoảng 25 – 30% phụ nữ độ tuổi mãn kinh bị loãng xương. Đây là đối tượng nguy cơ cao bị loãng xương. Hậu quả của loãng xương là gãy xương, do đó đây là vấn đề rất đáng quan tâm.
Mãn kinh là một quá trình tự nhiên xảy ra ở phụ nữ. Sự suy giảm nồng độ estrogen trong cơ thể liên quan mật thiết với quá trình dẫn đến loãng xương. Ở phụ nữ mãn kinh, thiếu hụt estrogen dẫn đến gia tăng hiện tượng mất xương, làm giảm khối lượng xương đồng thời giảm hấp thu ion canxi ở ruột dẫn đến nguy cơ loãng xương gia tăng rất nhanh.