Phụ nữ cao tuổi dễ rơi vào tình trạng sống một mình, cô đơn

Sáng 22-5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội báo cáo về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội, sáng 22-5. Ảnh: VIẾT CHUNG
Quang cảnh phiên họp Quốc hội, sáng 22-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, lĩnh vực bình đẳng giới ngày càng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đã đạt nhiều kết quả tích cực; tuy nhiên kinh phí, chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 vẫn còn khiêm tốn.

Kết quả thực hiện các các mục tiêu của chiến lược về bình đẳng giới năm 2023 cho thấy, đến cuối năm có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của chiến lược đến năm 2025.

Có 3 chỉ tiêu có kết quả đạt 1 phần và 2 chỉ tiêu tiệm cận so với mục tiêu đến năm 2025. Thứ nhất, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 14/30 cơ quan, đạt 46,67%; có 47/63 chính quyền địa phương cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt 74,6%.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.jpg
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thứ hai, tỷ lệ người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản là trên 70%; số người gây bạo lực gia đình bị chịu các hình thức xử lý là trên 75%.

Thứ ba, về tỷ lệ nữ thạc sĩ tiến sĩ, theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số công chức, viên chức có trình độ thạc sĩ đạt 47%; tỷ lệ nữ tiến sĩ trên tổng số tiến sĩ đang công tác trong các cơ sở giáo dục là 39%.

Với những nỗ lực đó, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách, ra quyết định; đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo quan trọng, có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, lần đầu tiên vượt trên 30% kể từ Quốc hội khóa VI, từ thứ 71 vươn lên vị trí thứ 55 trên thế giới, thứ 4 châu Á.

Trong đời sống gia đình, vị thế của phụ nữ trong gia đình có nhiều thay đổi tích cực, ngày càng bình đẳng, độc lập trong gia đình và xã hội. Nam giới chia sẻ nhiều hơn trong công việc gia đình và chăm sóc con cái.

Tuổi thọ trung bình tăng, năm 2023 của phụ nữ là 76,5 tuổi và của nam giới là 71,1 tuổi.

Ủy ban này cho rằng, tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị chưa tương xứng với trình độ, năng lực của phụ nữ hiện nay và chưa đạt được chỉ tiêu.

Lao động nữ còn chiếm phần lớn trong các ngành nghề thâm dụng lao động, trình độ chuyên môn thấp hoặc làm việc trong khu vực phi chính thức, thu nhập bình quân thấp hơn so với lao động nam.

Bên cạnh đó, mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa giảm, chỉ tiêu này cũng khó đạt vào năm 2025, sẽ dẫn tới những hậu quả về xã hội và nhân khẩu học, là một trong những nguyên nhân gây bất bình đẳng giới.

Một trong số thách thức đối với vấn đề bình đẳng giới mà Ủy ban chỉ ra, đó là khoảng cách giới khi già hóa dân số. Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi.

Phụ nữ Việt Nam chiếm 57,82% dân số cao tuổi và có tỷ lệ cao hơn so với nam giới là người cao tuổi ở tất cả các nhóm tuổi, nhóm tuổi càng cao thì tỷ lệ phụ nữ càng lớn. Do vậy, phụ nữ cao tuổi dễ rơi vào tình trạng sống một mình, cô đơn và mắc bệnh mãn tính nhiều hơn so với nam giới.

Tin cùng chuyên mục