Tham dự buổi đón tiếp hai phu nhân có Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng Lâm Thị Phương Thanh; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Thị Hoàng Vân; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phan Thị Kim Oanh...
Chuyến thăm của GS Bành Lệ Viên tới ĐHQGHN có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực thúc đẩy hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước, đồng thời tạo cơ hội cho các sinh viên được giao lưu, tiếp xúc và tăng cường hiểu biết về mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Tại buổi đón tiếp, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã giới thiệu tới hai phu nhân về tình hình hợp tác giữa ĐHQGHN với các đối tác Trung Quốc cũng như những thông tin về việc đào tạo, nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc tại ĐHQGHN. ĐHQGHN đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các đối tác Trung Quốc trong tất cả các hoạt động liên quan tới đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Hoạt động hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu bao trùm tất cả các đơn vị thành viên và trực thuộc của ĐHQGHN. ĐHQGHN thiết lập quan hệ đối tác với gần 30 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, trong đó có: Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Chính pháp Trung Quốc, Trường Đại học Sư phạm và Kỹ Thuật Quảng Tây, Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây, Trường Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Bắc…
Hiện nay, có gần 600 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các đơn vị trong ĐHQGHN, trong đó tập trung nhiều tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (gần 400 sinh viên), Khoa các Khoa học liên ngành (100 sinh viên) và Trường Đại học Ngoại ngữ (gần 70 sinh viên). Các hoạt động hợp tác trao đổi giảng viên, cán bộ với các trường đại học Trung Quốc cũng được triển khai hiệu quả, trong năm qua, có hơn 100 lượt cán bộ, giảng viên Trung Quốc đã tới ĐHQGHN tham gia hoạt động giảng dạy, và nâng cao năng lực chuyên môn, cũng như tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế và trao đổi học thuật.
Các đơn vị có thế mạnh về đào tạo ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc tại ĐHQGHN đã tích cực tổ chức và tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Trung Quốc (HSK), cũng như tiếp nhận các cán bộ giảng viên Trung Quốc được phái cử tới hỗ trợ công tác giảng dạy tiếng Trung. Năm 2023 vừa qua, học sinh Lê Nguyệt Quỳnh, học sinh lớp 12E Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã xuất sắc giành giải nhì cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ dành cho học sinh THPT toàn thế giới lần thứ 16 tổ chức tại Trung Quốc.
Các trường đại học thuộc ĐHQGHN cũng có hợp tác nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ hợp tác nghị định thư giữa hai nước với các trường đại học Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao và bảo vệ môi trường. Trong năm 2023, cùng với hoạt động hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, ĐHQGHN cũng phối hợp với các đối tác Trung Quốc tổ chức nhiều hội thảo và hội nghị quốc tế.
Tại buổi giao lưu với hai phu nhân, các sinh viên ĐHQGHN đã chia sẻ, bày tỏ quan tâm tới ngôn ngữ, văn hóa, điện ảnh, trang phục Trung Quốc, về tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc thông qua trao đổi văn hóa, hợp tác học thuật và viếng thăm lẫn nhau…
Em Lê Vũ Thanh Thảo – sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ chia sẻ cơ duyên đến với bộ môn tiếng Trung Quốc và mong ước trở thành một giáo viên dạy tiếng Trung trong tương lai.
“Hiện nay, xu hướng du học Trung Quốc của sinh viên Việt Nam ngày càng tăng và nhiều người trong số họ chọn học ngành giáo dục Hán ngữ quốc tế. Có lẽ, các bạn ấy cũng như cháu, tin rằng thông qua việc giáo dục, chúng ta có thể tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Và một ngày nào đó chúng cháu sẽ trở thành cầu nối hữu nghị, góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc”, Thanh Thảo bày tỏ.
Hiện nay, ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam sang Trung Quốc học tập và cũng có nhiều sinh viên Trung Quốc đến học tập tại Việt Nam. Tại ĐHQGHN, có rất nhiều sinh viên Trung Quốc đến để học tiếng Việt. Đây không chỉ là cơ hội để gia tăng tình bạn mà còn là cơ hội tuyệt vời để sinh viên hai nước học hỏi và chia sẻ kiến thức, văn hóa lẫn nhau.
GS Bành Lệ Viên bày tỏ ấn tượng trước khả năng nói tiếng Trung của các học sinh, sinh viên ĐHQGHN. Đánh giá học sinh, sinh viên Việt Nam rất thông minh, chăm chỉ, GS Bành Lệ Viên cho rằng, ngôn ngữ chính là cầu nối, đóng vai trò quan trọng trong việc giao lưu, kết nối giữa con người với con người, giữa các nền văn hóa. Nếu sinh viên Việt Nam biết tiếng Trung thì có thể tìm hiểu nhiều hơn về đất nước Trung Quốc. Tương tự như vậy, nếu sinh viên Trung Quốc biết tiếng Việt thì cũng sẽ hiểu hơn về văn hóa Việt Nam.
GS Bành Lệ Viên cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh Trung Quốc và Việt Nam đang thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả thì các bạn trẻ, sinh viên đóng vai trò quan trọng. Bà mong rằng hai bên sẽ có nhiều cơ hội trao đổi, hợp tác để thế hệ trẻ phát huy năng lực, vai trò của mình.
Đặc biệt, hai phu nhân cùng các đại biểu đã cùng thưởng thức các tiết mục nghệ thuật do các học sinh, sinh viên của ĐHQGHN thể hiện: tiết mục hòa tấu đàn T’rưng và Sáo “Việt Nam quê hương tôi”, tiết mục hát múa “Tân quý phi túy tửu”, viết Thư pháp trên nón đệm nhạc và ngâm thơ, tiết mục hát đơn ca “Hoa Nhài”.
GS Bành Lệ Viên dành lời khen ngợi tới các tiết mục văn nghệ của học sinh, sinh viên ĐHQGHN và cho rằng, các em không chỉ nói tiếng Trung tốt mà còn có tố chất âm nhạc, nghệ thuật. Bà cũng bày tỏ, âm nhạc cũng chính là cầu nối khi mà các bên không cùng ngôn ngữ. GS Bành Lệ Viên khuyên các em học sinh, sinh viên có thể nâng cao hiệu quả việc học tiếng Trung qua nghe các bài hát hoặc qua điện ảnh. Tại buổi giao lưu, bà cũng tìm hiểu những xu thế của các bạn trẻ Việt Nam ngày nay khi quay video và đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội.
>> Dưới đây là chùm ảnh bà Bành Lệ Viên và bà Phan Thị Thanh Tâm thăm và giao lưu với sinh viên ĐHQGHN. Ảnh: VIẾT CHUNG