Trước đó, Luật sư Phan Trung Hoài, người bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan đã hỏi bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) về đề án tái cơ cấu SCB.
Trả lời tại tòa, Võ Tấn Hoàng Văn nói bị cáo tham gia ban lãnh đạo SCB từ tháng 7-2013, vấn đề của ngân hàng trước đó bị cáo không rõ. Nhưng SCB khi đó đang trong dạng tái cơ cấu nên không có giai đoạn nào là không có sự giám sát của NHNN. SCB chịu trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu cho NHNN còn việc NHNN đánh giá thế nào thì bị cáo không rõ.
Theo bị cáo Văn, từ khi hợp nhất thì SCB đã ở dưới mức tiêu chuẩn nên bị cáo thừa nhận nếu không có nguồn lực thật sự mạnh thì sẽ không làm được (tái cơ cấu ngân hàng – PV).
Cụ thể, theo bị cáo Văn, tổng tài sản của SCB tại thời điểm hợp nhất thật ra đến 200.000 tỷ đồng chứ không phải 134.000 tỷ đồng. 134.000 tỷ đồng chỉ là dư nợ thôi, còn lại là những tài sản khác không thể thu hồi được. Nên khi đọc kỹ hồ sơ tái cơ cấu SCB thì không thể hiểu nổi lấy tiền đâu để nuôi ngân hàng này, lấy gì để tiếp tục tái cơ cấu. Lúc đó bị cáo mới thấy nổi lên vai trò của bà Trương Mỹ Lan. Bà ấy đưa tài sản vào để hoán chuyển khoản vay trước đây không có tài sản đảm bảo trở thành những khoản vay mới có tài sản đảm bảo.
Trả lời xét hỏi trước HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trình bày, bị cáo khi tham gia không biết gì về luật ngân hàng, nhưng được sự động viên của những người có trách nhiệm, bị cáo nhận thấy vai trò trách nhiệm của mình nên mới đồng ý tham gia tái cơ cấu SCB.
Theo yêu cầu thì bị cáo và bạn bè bị cáo phải chiếm 65% và phải có cổ đông nước ngoài tham gia vào việc tái cơ cấu. Vì vậy bị cáo nắm 4,9% cổ phần, gia đình bị cáo nắm khoảng 15%, còn những cổ phần khác là của bạn bè bị cáo ở nước ngoài.
Bị cáo Lan cho rằng mình chỉ cho mượn tài sản cứu ngân hàng vì tình trạng tài chính, bất động sản của SCB tại thời điểm này là rất xấu. Bên cạnh đó, việc điều hành ngân hàng SCB là do Ban lãnh đạo SCB tự điều hành chứ bị cáo không chỉ đạo.
Ban lãnh đạo SCB hoàn toàn không phải thân tín của bị cáo, bị cáo cũng không lựa chọn “cài” người vào SCB. “Toàn bộ tiền bạc tài sản của bị cáo đều nằm ở SCB, nếu bị cáo như cáo trạng cáo buộc thì không thể để sự việc xảy ra như vậy”, bị cáo Lan phân trần.
Phiên tòa sáng nay 12-3 tiếp tục với phần hỏi của các luật sư.
Thâu tóm cổ phần SCB
Theo cáo trạng, để có nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động cho “hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” cũng như việc liên tục đầu tư, mua các dự án bất động sản, Trương Mỹ Lan đã tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của SCB trong đó có hoạt động cho vay.
Do đó, từ trước thời điểm hợp nhất, Trương Mỹ Lan đã sở hữu phần lớn cổ phần của 3 ngân hàng. Sau khi hợp nhất, Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,6% cổ phần của SCB, đồng thời tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên cổ phần SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên 91,54% vào ngày 1-1-2018.
Tính đến tháng 10-2022, Trương Mỹ Lan đã sở hữu, chi phối gần 1,4 tỷ cổ phần SCB, chiếm 91,53% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân (trong và ngoài nước), cá nhân đứng tên giúp; trong đó Trương Mỹ Lan trực tiếp đứng tên sở hữu hơn 75 triệu cổ phần, chiếm 4,98% vốn điều lệ.
Tổng nguồn vốn của SCB theo sổ sách kế toán tại ngày 17-10-2022 (thời điểm khởi tố vụ án – PV) là hơn 700.000 tỷ đồng (bao gồm số huy động, vốn chủ sở hữu và nghĩa vụ Ngân hàng SCB phải trả nhưng chưa chi trả như các khoản lãi, phí phải trả; các khoản phải trả và công nợ khác là gần 19.000 tỷ đồng).