Phụ huynh chưa hài lòng với hoạt động trải nghiệm

Tận dụng thời gian tổng kết học kỳ 1, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa (có thu tiền) nhằm tạo cơ hội cho học sinh thư giãn sau thời gian học vất vả, đồng thời thêm cơ hội trải nghiệm cho các em. Tuy nhiên, cách thức tổ chức khiến phụ huynh “kêu trời” vì không thực chất, tăng gánh nặng chi phí cho phụ huynh.

Chạy đua theo phong trào

Tuần qua, phụ huynh học sinh Trường Mầm non 17 (quận Bình Thạnh) nhận được thư ngỏ của trường về việc đăng ký cho học sinh tham gia Lễ hội quê hương ba miền, diễn ra vào cuối tháng 1-2024. Theo nội dung thư ngỏ, trường phối hợp với một đơn vị lữ hành tổ chức chương trình trải nghiệm tại sân trường với nhiều hoạt động, gồm xem ảo thuật, tham gia các trò chơi dân gian như ném chum, làm bánh in, chèo thúng, bắt gà tìm trứng, cho thỏ ăn, thu hoạch khoai lang… Tất cả hoạt động diễn ra trong nửa ngày, với phí tham gia 275.000 đồng/học sinh.

Chị Minh Trang, phụ huynh khối Chồi (lớp 4-5 tuổi), bày tỏ: “Chương trình thiết kế rất nhiều hoạt động nhưng các con chỉ tham gia trong khoảng 2 tiếng vì trẻ mầm non ăn trưa sớm hơn các bậc phổ thông. Do đó, mức phí như vậy hơi cao và chưa phù hợp với mặt bằng thu nhập của nhiều gia đình lao động”.

Đối với bậc phổ thông, tháng 1 hàng năm là thời điểm các trường tiểu học “chạy đua” tổ chức các hoạt động tham quan trải nghiệm cho học sinh ở các khu di tích lịch sử, nông trại, vui chơi hướng nghiệp trên địa bàn TPHCM. Qua ghi nhận, năm nay, mức phí tham gia dao động từ 300.000-600.000 đồng/học sinh (bao gồm ăn trưa).

Riêng với cấp THCS và THPT, địa điểm tham quan được các trường mở rộng ra ngoài TPHCM, tập trung ở một số điểm du lịch quen thuộc như Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt… Mặc dù Sở GD-ĐT TPHCM khuyến cáo trường học không tổ chức cho học sinh tham quan ngoại khóa với số lượng quá đông trong cùng thời điểm, nhưng trên thực tế, nhiều trường vẫn tổ chức cho nhiều khối, thậm chí toàn trường tham gia, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho học sinh. Mới đây, gần 1.000 học sinh Trường THPT B.T.X. (quận 1) đã tham gia chuyến đi ngoại khóa tại TP Đà Lạt.

Tương tự, tại Trường THPT T.V.G. (quận Bình Thạnh), hơn 400 học sinh khối 12 đã có chuyến tham quan trải nghiệm cuối học kỳ 1 tại Đà Lạt. So sánh chương trình ngoại khóa giữa các trường cho thấy, nhiều điểm đến bị trùng lắp, các hoạt động chủ yếu là tham quan du lịch, thiếu hoạt động thiết kế dành riêng cho học sinh.

Tận dụng nguồn lực sẵn có

Đầu tháng 12-2023, học sinh các trường mầm non trên địa bàn quận 1 đã hào hứng tham gia Ngày hội “Hoa bé ngoan” với nhiều hoạt động trải nghiệm ngay tại sân trường, như trò chơi dân gian, vận động thể lực, thiết kế sản phẩm tạo hình cho học sinh... Tất cả hoạt động đều tận dụng vật liệu có sẵn tại trường, giáo viên kiêm luôn nhiệm vụ quản trò và hướng dẫn học sinh nên phụ huynh không phải đóng phí tham gia. Cũng với cách làm đó, nhiều trường mầm non trên địa bàn quận Gò Vấp đã có cách làm sáng tạo là trải bạt tại sân trường, thiết kế hồ nước nhân tạo từ các vật liệu dễ tìm như đá, gỗ, ni lông, tổ chức cho học sinh trải nghiệm các hoạt động bắt cá, gặt lúa tại sân trường.

h4c-9134.jpg
Học sinh các trường mầm non trên địa bàn quận 1, TPHCM tham gia Ngày hội “Hoa bé ngoan” vào đầu tháng 12-2023

Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM) Lương Thị Hồng Điệp cho biết, hiện nay nhận thức của một số cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh chưa đầy đủ, khả năng thiết kế và tổ chức hoạt động chưa đạt hiệu quả cao. Thay vào đó, trường học cần tổ chức hoạt động trải nghiệm với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, phù hợp lứa tuổi học sinh, kết hợp lồng ghép với các sinh hoạt vui chơi, hoạt động học tập trên lớp để nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh.

Ở các bậc học lớn hơn, cô Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, để giảm gánh nặng chi phí cho phụ huynh, trường học có thể tận dụng các khu di tích, bảo tàng lịch sử, địa điểm tham quan công cộng trú đóng trên địa bàn như nhà truyền thống, nhà ga, bến tàu… để tổ chức hoạt động trải nghiệm “0 đồng” cho học sinh tham gia. Hình thức tổ chức này vừa tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại vừa giúp học sinh hiểu và tự hào hơn về lịch sử truyền thống của địa phương đang sinh sống. Đặc biệt, các trường THPT có thể phối hợp với các trường đại học, cơ quan, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp cho học sinh.

Theo Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM, hoạt động ngoại khóa là một trong những hình thức củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Đây là hoạt động có thu phí trên tinh thần tự nguyện đăng ký của phụ huynh, học sinh. Hoạt động không nhằm mục đích kiểm tra, đánh giá học sinh, tổ chức đa dạng theo nhiều hình thức như sinh hoạt dưới cờ, giáo dục theo chủ đề, câu lạc bộ… Đối với học sinh không tham gia trải nghiệm, cơ sở giáo dục phải xây dựng phương án học tập thay thế, tuyệt đối không được bắt buộc tất cả học sinh tham gia trải nghiệm ngoài nhà trường.

Tin cùng chuyên mục